Chương trình bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền của Quốc hội Liên bang Đức (1)

Thục Quyên

Quốc hội Liên bang Đức bày tỏ sự kính trọng sâu đậm đối với tất cả những nhà hoạt động nam và nữ, đang can đảm tranh đấu bảo vệ Nhân quyền ngay trong những tình huống chính trị khó khăn tại đất nước họ.

Trong khuôn khổ chương trình “Dân biểu Bảo vệ Dân biểu” của Quốc hội Liên bang Đức, một chương trình hiện cũng được áp dụng cho những Người Hoạt động Nhân quyền, ông Martin Patzelt, dân biểu thành viên của Ủy ban Nhân quyền tại Quốc hội Liên bang Đức, đã ra thông báo về việc sang Việt Nam để quan sát phiên xử ông Nguyễn Hữu Vinh (anh ba Sàm) và bà Nguyễn Thị Minh Thúy. Sau đây là những nét chính của chương trình này.

Ngày 25/11/2003 Quốc hội Liên Bang Đức đã chấp thuận dự kiến chung của 4 chính đảng: Đảng Dân chủ Xã hội Đức (gọi tắt: SPD), Đảng Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo (CDU)/Liên minh xã hội Thiên chúa giáo(CSU), Liên minh 90/Đảng Xanh, và Đảng Dân chủ tự do (FDP), xúc tiến chương trình “Dân biểu Bảo vệ Dân biểu” mà sau này được mở rộng áp dụng cho cả những Người Hoạt động Nhân quyền không phải là dân biểu.

Theo đó, Quốc hội Đức cam kết hỗ trợ các tổ chức đồng thời giúp đỡ bảo vệ những Nhà Hoạt động Nhân quyền đang bị đe dọa.

Quốc hội Liên bang Đức nhận định:

Những nhà hoạt động để thực hiện và bảo vệ Nhân quyền tại các nước nơi quyền con người đang bị xâm phạm, thường phải chấp nhận đối đầu những nguy cơ rất lớn. Nhưng nếu không có sự can đảm và kiên trì của họ thì tình trạng nhân quyền trên thế giới sẽ thật ảm đạm.

Đó là những luật gia đang đấu tranh trong nước của họ chống lại tình trạng những vi phạm Nhân quyền không bị trừng phạt, và đang giúp đỡ các nạn nhân của sự độc đóan lạm quyền nhà nước. Họ là những nhà báo đang tố cáo các tội ác có sự tham dự của chính phủ hoặc quân đội, là những bác sĩ đang chăm sóc các nạn nhân bị tra tấn và lên tiếng đòi hỏi thủ phạm phải chịu trách nhiệm. Họ cũng còn là những công đoàn viên, những đại diện các tôn giáo hay các cộng đồng tôn giáo, những thành viên các nhóm bản địa, các đảng chính trị và các tổ chức phi chính phủ.

Chính những người bênh vực quyền của người khác lại thường trở thành nạn nhân của những vi phạm Nhân quyền. Những chỉ trích (sự sai trái) của họ biến họ thành những cái gai trước mắt các cơ quan nhà nước tại các quốc gia có vấn đề về hiến pháp cũng như trước các tập hợp vũ trang.

Những Nhà Hoạt động Nhân quyền và gia đình họ do đó bị vu khống, đe dọa, trục xuất, bị tùy tiện bắt giữ, kết án về các hoạt động “nổi loạn”, bị tra tấn thể xác và tâm lý, thậm chí bị sát hại. Có những người “không thích hợp” mãi mãi “biến mất”.

Quốc hội Liên bang Đức xin bày tỏ sự kính trọng sâu đậm đối với tất cả những nhà hoạt động nam và nữ, đang can đảm tranh đấu bảo vệ Nhân quyền ngay trong những tình huống chính trị khó khăn tại đất nước họ.

Nghị quyết:

Quốc hội Liên bang Đức sẽ nỗ lực ủng hộ chương trình “Dân biểu Bảo vệ Dân biểu” và sẽ hợp tác chặt chẽ với “Liên minh Nghị viện Thế giới” (IPU, Inter-Parliamentary Union).

Việc bênh vực những Người Hoạt động Nhân quyền là yếu tố quan trọng của một chính sách Nhân quyền đáng tin cậy. Các dân biểu ngoài việc đóng góp với tư cách là thành viên Quốc hội Liên bang Đức, còn cam kết tham gia đẩy mạnh chương trình “Dân biểu Bảo vệ Dân biểu” bằng cách:

- Qua những bản kiến nghị hoặc qua những cuộc đàm phán với những nhà cầm quyền, kêu gọi lưu tâm tới những Nhà Hoạt động Nhân quyền đang bị đe dọa hay bắt giữ, và đòi hỏi bảo vệ cũng như trả tự do cho họ.

- Bày tỏ sự cảm kích với sự dấn thân của Nhà Hoạt động Nhân quyền bằng tiếp xúc cá nhân, viếng thăm tại nơi giam giữ, quan tâm tới quá trình xét xử, tham gia quan sát những buổi xét xử.

- Nhận đỡ đầu cho những Nhà Hoạt động Nhân quyền.

Quốc hội Liên bang Đức kêu gọi Chính phủ Liên bang Đức:

1. Loan báo và thực hiện toàn cầu tuyên bố của Liên hiêp quốc về sự che chở Người Hoạt động Nhân quyền.

2. Cùng với các đối tác trong Liên minh Âu châu, tiếp tục ủng hộ công việc của đặc phái viên LHQ về Nhân quyền Hina Jilani và đặc biệt là việc thực hiện những đề nghị của bà trong các báo cáo lần thứ 58 và 59.

3. Cộng tác với những tổ chức bảo vệ những Người Hoạt động Nhân quyền.

4. Phát huy việc thành lập những hệ thống tư pháp độc lập để chống lại những vi phạm không bị trừng phạt; đòi hỏi và tích cực góp sức điều tra những vi phạm Nhân quyền.

5. Hỗ trợ các dự án của các Quỹ chính trị Đức cũng như các tổ chức phi chính phủ và tổ chức tôn giáo địa phương. Giúp họ thiết lập và phát huy những cấu trúc xã hội dân sự để bảo vệ quyền con người.

6. Thông qua các cơ quan ngoại giao Đức, sử dụng tất cả những biện pháp, ngay cả những biện pháp không theo quy ước trong trường hợp cấp tính, để bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền.

7. Sát cánh với những đối tác trong Liên minh Âu châu để tìm biện pháp bổ sung bảo vệ những Người Hoạt động Nhân quyền.

8. Sử dụng quy định phù hợp luật tỵ nạn hiện hành để có thể nhanh chóng nhận Người Hoạt động Nhân quyền tạm thời được hưởng sự che chở tại Cộng hòa Liên bang Đức.

9. Thường xuyên báo cáo cho Ủy ban Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo của Quốc hội Liên bang Đức về những chính trị gia bị đe dọa vì dấn thân cho Nhân quyền, hoặc khi họ bị ngăn chặn thực hành nhiệm vụ của họ.

T.Q.

Tác giả gửi BVN

-----------

(1) http://dip21.bundestag.de/dip21/btd/15/020/1502078.pdf

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn