Những ngày tháng bấp bênh sắp tới

Ls Nguyễn Văn Thân

Trái với kết quả của các cuộc thăm dò dân ý, Donald Trump đã đánh bại Hillary Clinton dễ dàng và sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Ông Trump chiếm được 306 phiếu cử tri đoàn so với 232 của bà Clinton. Thật ra, bà Clinton chiếm nhiều phiếu cá nhân hơn với gần 64 triệu so với 62 triệu của ông Trump. Có thể nói, Tổng thống Trump đại diện cho nhóm cử tri thiểu số.

Một lần nữa, tầng lớp chính trị chuyên nghiệp lại bị hố khi đưa ra những dự đoán hoàn toàn sai trật. Mọi người đã đánh giá thấp sự tức giận và niềm thất vọng của giới lao động Mỹ khi họ dồn phiếu cho ứng viên Trump để gửi một thông điệp đến giới quyền uy chính mạch đã quá xa rời quần chúng. Để cử tri có thể bỏ qua những hành vi khá tệ của một ứng viên tổng thống thì chắc là cơn giận này phải thật là đáng kể.

Phải ghi nhận Donald Trump là một hiện tượng chính trị của Mỹ. Chưa bao giờ trong lịch sử tranh cử mà có nhiều giới lãnh đạo của Đảng Cộng hòa lại từ chối vận động cho ứng cử viên tổng thống mà chính Đảng Cộng hòa bầu chọn. Thậm chí, cựu Tổng thống Bush cũng như Thượng nghị sĩ John McCain cho biết là không bỏ phiếu cho Trump. Đại tướng Colin Powell nói rõ là ông bầu cho Hillary Clinton. Tại sao một người ăn nói xấc xược và công khai bày tỏ thái độ khinh miệt, kỳ thị với di dân, người da đen và phụ nữ lại được hàng chục triệu người Mỹ ủng hộ trở thành tổng thống? Đây là câu hỏi mà giới quan sát chính trường Hoa Kỳ cũng như các nhà xã hội học sẽ không dễ dàng tìm được câu trả lời.

Chủ nghĩa dân túy cực đoan đang trên đà đi lên khắp mọi nơi với Đảng One Nation tại Úc, Brexit tại Anh và Donald Trump ở Mỹ. Theo truyền thống thì quyền lực nằm ở đa số thuộc nhóm trung hữu hoặc trung tả. Nhưng khuynh hướng cực hữu đang khai thác thành công cảm giác lo âu trước những sự kiện di dân và toàn cầu hóa. Người ta lo ngại cho tương lai công ăn việc làm cũng như lương bổng bị kìm hãm vì cạnh tranh từ nguồn lao động nước ngoài. Một nền kinh tế toàn cầu dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt. Giới chuyên gia có tay nghề với kỹ thuật cao sẽ có cơ hội vươn lên. Thành phần lao động tay chân với tay nghề thấp sẽ bị bỏ lại phía sau. Trong trường hợp của Hoa Kỳ, giới lao động trong kỹ nghệ sản xuất nhìn thấy nhiều người thân và bạn bè mất việc. Hàng loạt công nhân làm việc cho các hãng sản xuất xe tại các tiểu bang đông bắc (rust belt states) bị sa thải. Nhiều công ty Mỹ dời hãng sang Trung Quốc hoặc Mễ Tây Cơ với giá lao động rẻ. Nguyên cả cộng đồng bị tan nát. Nạn thất nghiệp dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội khác làm cho người dân có quyền chính đáng để tức giận, nhất là khi họ cảm thấy chính quyền và chính trị gia có vẻ thờ ơ trước những vấn nạn khó khăn mà họ phải đối diện.

Thật ra, câu chuyện ở Mỹ không đơn giản như vậy. Khi Obama lên nhậm chức tổng thống vào năm 2009, ông thừa hưởng một nền kinh tế lụn bại từ những chính sách phá sản của George Bush với tỷ lệ thất nghiệp hơn 10%. Kinh tế Mỹ tăng trưởng liên tục trong 8 năm qua dù mức độ tăng trưởng không quá 3% mỗi năm. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là 4.7%. So với 2009 khi mỗi tháng có hơn 700,000 người lao động bị mất việc, Obama đã tạo ra hơn 15 triệu việc làm với trung bình mỗi tháng có hợn 250,000 việc làm. Thị trường chứng khoán cụ thể là Dow Jones tăng kỷ lục tới 150%. Ngân sách quốc gia tuy vẫn thâm hụt nhưng giảm rất nhiều xuống khoảng 2/3 nhờ vào tỷ lệ thất nghiệp thấp. Càng có nhiều người làm việc thì tiền thuế chính quyền thu vào càng cao. Dưới chính sách Obamacare, hơn 15 triệu người Mỹ nghèo khó đã có được bảo hiểm y tế. Mỹ không còn phải chi cho chiến phí vì đã rút quân ra khỏi A Phú Hãn và Iraq. Trong suốt 8 năm qua, chưa có một cuộc tấn công khủng bố nào thành công trên đất Mỹ trái với dự đoán của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney. Và dĩ nhiên, Obama hạ lệnh cho biệt kích Mỹ tiến vào Pakistan thủ tiêu trùm khủng bố Osama Bin Laden vào tháng 5 năm 2011.

Những thành tựu kinh tế tương đối ít ỏi cũng như chỉ mang lợi đến tầng lớp giàu có không thể làm hả cơn giận của giới lao động lo âu trước những thách thức hoặc chán ngán với kỷ nguyên toàn cầu hóa. Nhưng có lẽ điểm quan trọng nhất là chính sách giao thương của Hoa Kỳ. Không ai chối cãi là giao thương quốc tế mang đến thịnh vượng chung cho các quốc gia trên thế giới bằng cách nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Người Mỹ không sợ cạnh tranh nhưng với điều kiện là cạnh tranh công bằng. Nhưng làm sao họ có thể cạnh tranh công bằng với công nhân Trung Quốc và Nam Mỹ là những nơi mà tiêu chuẩn và điều kiện lao động và môi trường là những xa xỉ phẩm.

Theo các con số thăm dò ý kiến thì chỉ có khoảng 20% dân chúng Mỹ tin vào khả năng giải quyết các vấn nạn xã hội của Quốc hội Mỹ. Hệ thống dân chủ của Mỹ căn bản là một hình thức độc quyền lưỡng đảng (duopoly). Có nghĩa là một thị trường rộng lớn với hơn 300 triệu người mà chỉ có hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ có tiếng nói trong Quốc hội. So với ở Úc, Đảng Tự do có khuynh hướng bảo thủ phải cạnh tranh giành phiếu ủng hộ không chỉ với Lao động mà còn với các đảng phái hữu khuynh khác như Đảng Quốc gia và One Nation. Tương tự như vậy, Đảng Lao động không chỉ đấu với Tự do mà còn phải tự vệ từ hướng tấn công của Đảnh Xanh cấp tiến. Quốc hội của Úc hiện nay (tính luôn Thượng viện) ngoài hải đảng lớn là Tự do và Lao động còn có 7 đảng phái khác và một số dân biểu độc lập đại diện cho mọi tiếng nói đa dạng trong một quốc gia chỉ với 23 triệu dân (tức chưa tới 1/10 dân số của Hoa Kỳ). Không có gì ngạc nhiên khi có nhiều người Mỹ nhận định rằng Quốc hội Hoa Kỳ không đại diện hoặc phản ánh nguyện vọng của họ. Từ đó niềm tin bị đánh mất mà mất niềm tin là mất tất cả.

Thứ hai, tranh luận chính trị ngày càng mang tính cá nhân. Có tới phân nửa cử tri Đảng Cộng hòa không muốn con mình thành hôn với cử tri Đảng Dân chủ và ngược lại 1/3 cử tri Đảng Dân chủ không muốn làm sui gia với cử tri Đảng Cộng hòa. Điều này phản ánh thực tế tại Quốc hội. Đảng Cộng hòa tìm đủ mọi cách chống đối gay gắt chính sách của Tổng thống Obama từ Obamacare đến nợ trần. Chính trị gia hai bên không chỉ bất đồng quan điểm mà còn thật sự ghét nhau. Sự xuất hiện của internet cũng có mặt trái của nó. Điểm tích cực là người dân có cơ hội tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng nó cũng tạo phương tiện cho những phần tử cực đoan tha hồ chế tạo thông tin thất thiệt, phỉ báng, mạ lỵ và chửi bới vô tội vạ đặc biệt là với luật phỉ báng lỏng lẻo của Mỹ. Nhiều người dân Mỹ cảm thấy tuyệt vọng khi chính trị gia của hai đảng Dân chủ và Cộng Hòa cứ lo ‘‘chơi trò chính trị’’ (play politics) thay vì tập trung vào công tác giải quyết những vấn nạn kinh tế và xã hội. Những người cha lập quốc (founding fathers) đã thiết kế một hệ thống quyền lực chồng chéo để giám sát và điều chỉnh lẫn nhau ví dụ như một đảng kiểm soát Hạ Viện còn đảng kia kiểm soát Thượng viện. Hoặc khi một đảng nắm quyền lưỡng viện thì tổng thống thuộc về đảng kia chẳng hạn như trong trường hợp hiện nay khi Tổng thống Obama thuộc Đảng Dân chủ phải làm việc với Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Quốc hội. Trong một thể chế như vậy, hai đảng cần phải chấp nhận đối thoại, thương lượng và tương nhượng mới phục vụ được cho người dân. Nhưng cả hai đảng ngày càng bị ảnh hưởng bởi các phần tử thiểu số cực đoan ngăn cản mọi sự tương nhượng hợp tình, hợp lý.

Thứ ba là sự chi phối của tiền bạc. Vận động tranh cử tại Quốc hội tốn ít nhất khoảng 4 triệu Mỹ kim. Ghế Thượng viện tốn khoảng 20 triệu. Dân biểu và Nghị sĩ Hoa Kỳ phải giành hơn phân nửa phần thời gia của họ vận động tài chánh để tranh cử hoặc giữ ghế. Họ phải tỏ thái độ ngoan ngoãn với các nhóm tổ chức vận động chuyên nghiệp (lobby groups) có khách hàng gồm có các tổ chức công ty hoặc nhóm lợi ích muốn duy trì quyền lợi. Một thí dụ cụ thể nhất là luật kiểm soát súng. Sau các cuộc thảm sát thường dân thì có hơn 80% dân chúng Mỹ ủng hộ luật kiểm soát quyền sở hữu súng chặt chẽ hơn. Nhưng Quốc hội Mỹ không làm gì được vì có quá nhiều dân biểu lệ thuộc vào sự tài trợ của Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA). Mỗi năm, NRA chi hàng chục triệu cho các cuộc vận động hành làng và chiến dịch vận động bầu cử. Tương tự như vậy, hàng năm có khoảng 50,000 người Mỹ chết vì sử dụng thuốc giảm đau (opioid). Nhưng Quốc hội không dám đụng tới các công ty chế biến thuốc tìm rất nhiều lợi nhuận từ thị trường opioid trị giá 9 tỷ mỗi năm.

Vì mất niềm tin vào giới chính trị gia chính mạch mà bà Hillary Clinton là một biểu tượng điển hình, cử tri Mỹ không ngần ngại chọn Donald Trump là một người ‘‘ngoại cuộc’’ (an outsider). Thế giới sẽ đi vào một giai đoạn bấp bênh trong những ngày tháng tới. Phát biểu trong đêm thắng cử, chính ông Trump nhìn nhận nước Mỹ vừa trải qua một cuộc tranh cử xấu xí và người Mỹ theo Cộng hòa hoặc Dân chủ phải ngồi lại với nhau để hàn gắn vết thương. Không chỉ tại Hoa Kỳ mà Tổng thống Trump sẽ đề ra những câu hỏi lớn cho nhiều quốc gia khác trên thế giới đặc biệt là tại Châu Á-Thái Bình Dương. Trong đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong chuyến công du Hoa Kỳ đã phát biểu rằng nếu Hoa Kỳ không thông qua được TPP thì các nước trong vùng phải xem xét lại kế hoạch chiến lược của họ. Có nghĩa là khi đụng trận thì họ sẽ không thể dựa vào được lời hứa của Mỹ thực hành cam kết. Không chờ tới khi bầu cử tổng thống Mỹ mà trước đó Thái Lan, Phi Luật Tân và Mã Lai đã bắt đầu chuyển trục xích gần lại với Trung Quốc. Cụ thể là cả Phi Luật Tân và Mã Lai đều tuyên bố là không muốn có nước thứ ba nào (tức là Mỹ) can thiệp vào việc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông theo đúng quan điểm và lập trường của Trung Quốc. TPP chết yểu thì có RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) do Trung Quốc chủ đạo sẵn sàng thay thế. Vấn đề là khi nào thì các nước còn lại tại Châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Singapore và Úc cũng sẽ nối gót Thái Lan, Phi Luật Tân và Mã Lai áp dụng nhận xét của Thủ tướng Lý Hiển Long và tiến hành chính sách xoay trục từ Mỹ đi vào quỹ đạo của Trung Quốc?

N.V.T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn