Con đường Tơ lụa và chính quyền Donald Trump

Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA

clip_image002

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Con đường Tơ lụa và hợp tác khu vực Ba Lan - Trung Quốc tại Warsaw, Ba Lan, hôm 20 tháng 6 năm 2016. AFP photo

Gần bốn năm trước, khi công du tại Kazakhstan rồi Indonesia, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc lần đầu tiên nói tới sáng kiến tái lập Con đường Tơ lụa cho Thế kỷ 21. Tham vọng lớn lao của Bắc Kinh tiến được vài bước nhưng Hoa Kỳ lại có Tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhậm chức ngày Thứ sáu 20 tháng 1, với một quan điểm khác về vai trò của Trung Quốc. Sự tình rồi sẽ ra sao?

Chân Như: Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông Nghĩa, hồi Tháng Chín rồi Tháng 10 năm 2013, khi thăm Cộng hòa Kazahkstan tại Trung Á và Indonesia tại Đông Nam Á, Chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình nói đến kế hoạch gọi là Con đường Tơ lụa Mới. Tham vọng ấy gồm hai phần là Nhất đới và Nhất lộ, theo Anh ngữ là One Belt, One Road, gọi tắt là OBOR. Nhất đới là các hành lang thông thương trên bộ từ Trung Quốc tới Âu Châu qua nước Nga, Trung Á và Trung Đông; và Nhất lộ là đường hàng hải từ Trung Quốc qua biển Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương và các mặt biển Đông Phi, Trung Đông rồi Địa Trung Hải đến tận Âu Châu.

Sau đó báo chí Bắc Kinh so sánh tham vọng OBOR với Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ sau Thế chiến II. Nhưng, ngày nay Hoa Kỳ có lãnh đạo mới, với một quan điểm khác về vai trò của Trung Quốc, lại còn phê phán việc Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển Đông. Do đó tiết mục kinh tế của chúng ta sẽ tìm hiểu về sự khả thi của kế hoạch kinh tế này của Bắc Kinh, ông Nghĩa nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta sẽ tìm hiểu tham vọng Nhất đới Nhất lộ, sau đó mới xét qua quan điểm của lãnh đạo Hoa Kỳ. Đầu tiên, khi Bắc Kinh so sáng kiến của họ với Kế hoạch Marshall của Mỹ thì họ có gian ý phản ánh tham vọng chính trị. Sau Thế chiến II, Mỹ viện trợ kinh tế và kỹ thuật để tái thiết 16 nước Âu Châu trong bốn năm qua một kế hoạch mang tên Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi ấy là Thống tướng George Marshall. Nó trị giá cỡ 13 tỷ đô la, tính theo hiện giá là gần 190 tỷ, do Quốc hội Mỹ biểu quyết thành luật vào năm 1948, chi tiết được công khai hóa qua 23 trang.

Còn kế hoạch của Bắc Kinh vẫn là sự mờ ảo, được tô vẽ bằng lời ngợi ca “tinh thần của Con đường Tơ lụa” đời Hán. Nếu hiểu lịch sử thì ta biết Con đường Tơ lụa xa xưa khởi đầu với con đường buôn ngọc từ các nền văn minh Ba Tư, Hy Lạp qua vùng Trung Á rồi chỉ được Âu Châu đặt tên là Con đường Tơ lụa từ thế kỷ 19, trong khi nhà Hán nổi tiếng với Con đường Tơ lụa khi triều cống hay gả công chúa cho lãnh đạo Hung Nô để cầu hòa đằng sau Vạn Lý Trường Thành. Ngày nay, Bắc Kinh muốn bành trướng thế lực với kế hoạch Nhất đới Nhất lộ nhưng không thể thành công như Kế hoạch Marshall thời trước.

Bắc Kinh không thể thành công?

Chân Như: Xin đề nghị ông giải thích cho vì sao ngay từ đầu ông lại nói rằng Bắc Kinh không thể thành công?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Để thẩm xét, chúng ta nên dựa vào thực tế hơn là vào những phát biểu của giới học giả phục Tầu hay lời tuyên truyền của Đảng Cộng sản và Nhà nước Bắc Kinh.

Thứ nhất, về thực tế thì việc xây dựng chuỗi hành lang, mà Bắc Kinh gọi là “tẩu lang”, trên đất liền và ngoài biển, như xa lộ, thiết lộ, cầu đường, phi cảng, hải cảng, v.v, qua một vùng hoang vu bát ngát có hơn bốn tỷ 400 triệu dân, là hai phần ba dân số địa cầu, mà chỉ sản xuất ra có một phần ba sản lượng toàn cầu thôi. Hai con số ấy, hai phần ba dân số địa cầu sản xuất ra một phần ba sản lượng của thế giới, cho thấy sự nghèo nàn của khu vực. Mà hiện nay và trong tương lai xa xôi, vùng đất ấy lại có quá nhiều tranh chấp và bất ổn. Đấy là về địa dư, kinh tế, xã hội và cả an ninh trong một vùng đang có khủng bố Hồi giáo cực đoan và nghi kỵ về sự can thiệp của ngoại bang.

Thứ hai, về tài chính, Bắc Kinh thiết lập Quỹ Tơ Lụa trị giá 40 tỷ đô la, có sự yểm trợ của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu AIIB họ lập ra từ Tháng 10 năm 2014 với 100 tỷ đô la làm vốn, mà một phần ba là khoảng 33 tỷ là của Trung Quốc. Ngoài ra, họ còn có Ngân hàng Đầu tư Mới của nhóm BRICS với 100 tỷ. Tức là kế hoạch hy vọng tìm ra một phần tài trợ trong 240 tỷ đô la để thực hiện. Đấy chỉ là bước đầu như muối bỏ biển trên cõi vạn nan, vì ngân hàng Hongkong Shanghai Bank của Anh dự phóng rằng kế hoạch Nhất đới Nhất lộ cần từ bốn đến sáu ngàn tỷ đô la trong 15 năm tới thì mới hy vọng thành hình! Thứ ba, ngoài hứa hẹn chung chung là đem lại thịnh vượng cho cả đại lục Âu-Á, kế hoạch chưa thể và không thể có một cơ chế phối hợp và điều hành tập trung của các nước, với mục tiêu chiến lược ở trên rồi cả trăm dự án chiến thuật ở dưới được từng quốc gia đồng ý thực hiện trên lãnh thổ của mình.

Nhớ lại thì ngày xưa, Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ đã minh định mục tiêu chung rồi từng dự án cho các phần vụ tuần tự giải ngân việc thi hành. Kế hoạch OBOR của Tầu là đám mây ngũ sắc bao trùm lên nhiều dự án rời rạc không có cơ quan giải ngân và kiểm soát tiến độ trong một tổng thể nhất quán nên chỉ là một ảo giác!

clip_image004

Con đường Tơ lụa đoạn đi qua làng Himalaya ở Ladakh, Ấn Độ. AFP photo

Chân Như: Đấy là khi người ta nhìn vào tổng thể, chứ nếu nhìn từ giác độ hay mục tiêu của Trung Quốc thì hiển nhiên là Bắc Kinh đã có những tính toán xác thực trước khi tung ra kế hoạch này chứ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta có hai cách nhìn. Từ thực tế thì ta thấy Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở AIIB đã tài trợ một số dự án trị giá tổng cộng một tỷ bảy, thay vì một tỷ 200 triệu như dự trù. Các dự án đó là những gì? Một dự án thủy điện và một xa lộ tại Pakistan; một dự án cải thiện đường xá giữa hai xứ Trung Á là Tajikistan và Uzbekistan; một dự án cải tiến mạng lưới điện lực tại Bangladesh; một dự án nâng cấp các khu gia cư ổ chuột tại Indonesia; và một dự án thủy điện cho Miến Điện. Tính chất phân tán ấy cho thấy quả là Ngân hàng AIIB đi được một vài bước, nhưng là bước chuệch choạc trên con đường vạn lý.

Trong khi ấy, mục tiêu đích thực của Bắc Kinh là gì? Nhiều nhà lý luận cực hữu thì mơ ước phát huy tư thế và ảnh hưởng của Chủ nghĩa Dân tộc Đại Hán qua Con đường Tơ lụa, nhưng lãnh đạo Trung Quốc lại có nhiều ưu tiên cấp bách hơn trong nội bộ. Họ có nhu cầu sinh tử là tái phân phối lợi tức từ các tỉnh tương đối trù phú tại vùng duyên hải ở miền Đông vào các địa phương nghèo đói và lạc hậu bị khóa ở trong nên không tiếp cận với thế giới bên ngoài. Đây là loại nan đề ngàn năm của Trung Quốc mà đang thành sức ép chính trị cho lãnh đạo vì người dân đã biết và không chấp nhận được nữa.

Chân Như: Chúng ta cần được nghe ông giải thích ưu tiên sinh tử này vì cho tới nay, thế giới cứ nói đến các thành tựu kinh tế của Trung Quốc mà ít chú ý đến các yếu tố địa dư và cả tổ chức chính trị bên trong một quốc gia có diện tích trải rộng trên 10 triệu cây số vuông mà vẫn chưa có thể chế liên bang của một nước dân chủ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sau hơn 30 năm cải cách thì các tỉnh miền Đông phát triển mạnh và theo kịp thế giới ở biểu hiện bề ngoài làm thế giới khâm phục như ngó vào tủ kính. Nhưng hơn hai phần ba diện tích còn lại là các tỉnh hoang vu khô cằn, thiếu mạng lưới giao thương với bên ngoài, Đa số khu vực này còn là vùng đất do Hán tộc chiếm đóng của các dị tộc mà họ khinh miệt và đàn áp, như Cao nguyên Thanh Tạng của dân Tây Tạng, đất Tân Cương của người Đột Quyết theo Hồi giáo và cả khu vực gọi là Nội Mông của dân Mông Cổ.

Mức sống dân cư ở các nơi đó quá thấp, thí dụ như tại Tây Tạng, Thanh Hải, Cam Túc, Ninh Hạ và Tân Cương, cho nên tới hơn 400 triệu người chưa kiếm đủ bốn đô la một ngày và đấy là mầm loạn như đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử Trung Hoa. Do đó cái gọi là Nhất đới hay vành đai trên đất liền, là nỗ lực xây dựng hạ tầng nhằm khai thông các tỉnh bị khóa và tận dụng nguyên vật liệu đã sản suất thừa và bị ế ẩm như than đá, xi măng, sắt thép.

Thế giới sợ Tầu thì cứ nói đến kế hoạch chinh phục thiên hạ của Bắc Kinh, chứ lãnh đạo Bắc Kinh đang sợ khủng bố Hồi giáo từ Trung Đông Trung Á lại tràn vào Tân Cương và lan ra khắp nơi. Thiên hạ cứ nói đến Con đường Tơ lụa của Trung Hoa ngàn đời chứ học giả Bắc Kinh thì không quên rằng vào đời Đường, từ thời Đường Thái Tông trở đi, Con đường Tơ lụa là vùng trưng thu tài sản của các chiến binh Tây Tạng từ trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn đổ xuống! Thành thử cái gọi là Nhất đới chỉ là Hạ tầng Cơ sở an ninh cho việc bảo vệ trật tự nội địa.

Con đường trên biển

Chân Như: Thưa ông, thế còn Nhất lộ ở trên biển là gì trong mục tiêu thầm kín của Bắc Kinh?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Muốn hiểu chuyện này, ta cần nhìn ra thế giới của Thế kỷ 21 khi người ta hết cưỡi lạc đà mà dùng các phương tiện hiện đại hơn. Thống kê quốc tế, như Nghị hội Quốc tế về Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc, cho biết hàng hải là phương tiện kinh tế nhất vì rẻ nhất: giao dịch toàn cầu chuyên chở qua thương thuyền chiếm 80% về lượng và 70% về trị giá. Hàng hóa của Trung Quốc, là xứ lệ thuộc quá nặng vào xuất khẩu, dù ở trong đất liền hay vùng duyên hải, đều phải ra tới bến cảng để chở ra ngoài qua bốn năm eo biển của miền Tây Thái Bình Dương. Trong lịch sử Trung Quốc, chưa bao giờ xứ này lại cần bên ngoài như vậy, để có nguyên nhiên vật liệu cùng thực phẩm và có thị trường xuất khẩu.

Vấn đề của Bắc Kinh là nỗi sợ của kẻ có tật giật mình vì mắc bệnh tự kỷ ám thị: họ biết mình có nhiều chiến hạm nhưng vẫn chưa có hạm đội mà vùng giao lưu sinh tử cho kinh tế lại do các hạm đội Hoa Kỳ kiểm soát và bảo vệ từ gần trăm năm nay. Thay vì hành xử bình thường và tự do như các nước Nam Hàn, Đài Loan hay Nhật Bản, Bắc Kinh lại muốn kèm vào đề nghị xây dựng hải cảng giao thương cho các nước trong kế hoạch Tơ Lụa trên biển với việc thiết lập quân cảng cho quân đội Trung Quốc. Xứ nào cũng muốn làm ăn với Tầu, nhưng không thoải mái với việc Bắc Kinh đòi quân sự hóa các hải cảng này. Vì vậy, việc Bắc Kinh lấn cướp và xây dựng các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự ngoài vùng biển Đông Bắc Á tới Đông Nam Á ngày nay mặc nhiên phá hoại khả năng thành công của Con Dường Tơ Lụa Ngoài Biển!

Chân Như: Nếu như vậy, trước khi Hoa Kỳ có Chính quyền Donald Trump với lập trường bác bỏ việc Trung Quốc khống chế và quân sự hóa biển Đông hải, thì tham vọng Nhất đới Nhất lộ của Bắc Kinh đã có nhiều trở ngại nguyên thủy từ bên trong. Thưa ông, có phải như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thế giới lý tài và nhu nhược cứ muốn làm ăn với Trung Quốc mà vẫn trông vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Khi nước Mỹ xẵng giọng vì làm ăn thua thiệt mà cứ phải lo cho an ninh của thiên hạ thì người ta tìm cách đổ lỗi cho Mỹ! Hoa Kỳ là siêu cường hải dương, có khả năng toàn cầu và đấy là thực tế quốc tế hiện nay, ít ra trong vài chục năm tới. Con đường Tơ lụa của Trung Quốc, với các bài toán cụ thể về tài trợ, tổ chức và thực hiện trên nhiều vùng bất ổn, chỉ là biểu hiện vĩ cuồng, thiếu thực chất. Đấy là cái danh không thực và tội không phải là từ ông Trump, người sống và giải quyết chuyện thật ngoài đời một cách lạnh lùng với một nội các và ban tham mưu có nhiều kinh nghiệm thực tế hơn là danh hão của chính trị gia.

Chân Như: Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

N.X.N.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/the-silk-road-n-the-trump-administration-nxn-01172017135220.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn