Lưu Hiểu Ba và hành trình đi tìm dân chủ tại Trung Quốc

LS Nguyễn Văn Thân

Ông Lưu Hiểu Ba - người tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất của Trung Quốc qua đời - vào ngày 13/7 vừa qua. Hồi cuối tháng trước, truyền thông quốc tế loan tin là ông đã được đưa ra khỏi tù vào bệnh viện vì bị ung thư gan giai đoạn cuối. Vợ ông, bà Lưu Hà cho biết bệnh ông đã nặng đến mức không chữa trị được. Và đúng với bản chất độc ác của chế độ cộng sản, ông vẫn bị quản thúc trong bệnh viện. Ngoài vợ ông ra, thân nhân hoặc bạn bè không dễ dàng vào thăm viếng vì họ sẽ ''được công an hỏi thăm sức khoẻ'' nếu có ý định đó.

Lưu Hiểu Ba sinh năm 1955 trong một gia đình trí thức. Ông đậu bằng Cử nhân Văn Khoa và Thạc sĩ từ Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp, ông làm giảng viên tại đây và lấy bằng tiến sĩ vào năm 1988. Ông cũng được mời thỉnh giảng tại một vài trường đại học nước ngoài như Đại học Columbia, Oslo và Hawaii.

Vào năm 1989 khi đang giảng dạy tại Hoa Kỳ, Lưu Hiểu Ba quyết định lập tức quay về Bắc Kinh đồng hành với sinh viên khi họ tiến hành biểu tình đòi hỏi cải cách dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn. Khi Đặng Tiểu Bình hạ lệnh cho xe tăng và quân đội nổ súng vào đoàn người biểu tình, ông đã đứng ra thương lượng với quân đội cho nhóm sinh viên giải tán ra khỏi quảng trường để giảm cảnh đổ máu. Thế mà sau đó ông lại bị tố là ''cầm đầu nhóm phản loạn'' và bị đi ''cải tạo'' hết 3 năm.

Chỉ 3 tháng sau khi bị bắt, ông bị đuổi ra khỏi Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Khi mãn hạn tù vào năm 1991, người vợ thứ nhất của ông quyết định lỵ dị và dẫn đứa con duy nhất di dân sang Mỹ. Lưu Hiểu Ba tập trung vào việc tranh đấu bằng ngòi bút với những bài viết về nhân quyền và dân chủ. Vào tháng Giêng năm 1993, ông được mời sang Úc tham gia phỏng vấn trong cuộc thực hiện bộ phim tài liệu biến cố Thiên An Môn. Có người khuyên là ông nên xin tỵ nạn ở lại Úc nhưng ông quyết liệt từ chối và nói rằng ''cuộc đời tôi là để góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho Trung Quốc và điều đó có nghĩa là tôi phải sống tại quê nhà. Đó là quê hương của tôi''.

Vào tháng 5 năm 1995, ông bị bắt lần thứ hai vì phát hành thư ngỏ kêu gọi nhà nước Trung Quốc xem xét lại biến cố Thiên An Môn và tiến hành cải cách dân chủ. Ông được thả vào tháng Giêng năm 1996.

Lần thứ ba ông bị bắt là vào tháng 10 năm 1996. Ông lấy bà Lưu Hà ngay trong tù. Bà Lưu Hà là một họa sĩ và nhà thơ và là người duy nhất được quyền thăm Lưu Hiểu Ba trong tù. 

Sau khi ra tù lần này vào tháng 10 năm 1999, Lưu Hiểu Ba hoàn tất một vài quyển sách về khát vọng dân chủ chỉ được xuất bản và phát hành tại Đài Loan và Hồng Kông. Ông giữ chức Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Quốc Tế từ năm 2003 tới 2007.

Trung Quốc tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh mở màn vào ngày 8/8/2008. Theo đúng bài bản của các chế độ độc tài, cộng sản, công an nới lỏng việc kiểm soát các ngòi bút tự do vì sợ quốc tế lên án ảnh hưởng đến ''thanh danh'' của chế độ. Nhân cơ hội này, Lưu Hiểu Ba cùng với một vài trí thức đã soạn thảo và công bố Hiến Chương 08 kêu gọi cải cách thể chế toàn diện để đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia dân chủ, văn minh và hiến trị. Do đó, ông bị bắt và tuyên án 11 năm tù vì tội ''xúi giục chống phá nhà nước''.

Vào ngày 8/10/2010, Ban Tổ chức Giải Nobel quyết định tặng giải Nobel Hòa Bình cho Lưu Hiểu Ba để ghi nhận ý chí đấu tranh ôn hòa bền bỉ cho quyền con người tại Trung Quốc. Thể hiện đúng bản chất côn đồ cộng sản, Bắc Kinh cấm không cho cả vợ ông được xuất ngoại để lãnh giải. Ban Tổ chức phải trao giải cho ''một chiếc ghế trống'', thách thức lương tâm của cả nhân loại. Chẳng những thế, Bắc Kinh còn cắt đứt quan hệ thương mại với Đan Mạch dù chính quyền Đan Mạch không có quyền hạn hoặc ảnh hưởng gì tới Ban Tổ chức Giải Nobel vì họ là một tổ chức hoàn toàn độc lập với nhà nước. Cho đến lúc này, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn cho công an theo dõi và hạn chế việc đi lại của bà Lưu Hà dù bà không có tội tình gì, trừ tội làm vợ của một người tù nhân lương tâm bất khuất và hiếm hoi tại Trung Quốc.

Vào năm 2011, Tạp chí Dân Chủ (Journal for Democracy) đã đăng lại và có lời bình luận về hai bài tiểu luận của Lưu Hiểu Ba mang tựa đề ''Có phải người Trung Quốc chỉ đáng hưởng nền dân chủ do ''Đảng dẫn dắt?'' (Can it be that the Chinese People Deserve Only ''Party-Led Democracy'') và ''Thay đổi chế độ bằng cách thay đổi xã hội'' (Changing the Regime by Changing Society). Lưu Hiểu Ba viết hai bài tiểu luận này vào năm 2006 nhưng vẫn còn tính thời sự và tuy diễn đạt bức tranh dân chủ u ám tại Trung Quốc nhưng có thể áp dụng với thực trạng ở Việt Nam. Bài luận thứ nhất đi đến một kết luận phũ phàng là kẻ thù lớn nhất của phong trào dân chủ không phải là nhà cầm quyền mà là sự thờ ơ của quần chúng cũng như tương lai của một Trung Quốc tự do phải đến từ nỗ lực tranh đấu của người dân chớ không phải vì sự thoái lui của đảng cầm quyền. Bài luận thứ hai có thể nói là diễn đạt khát vọng dân chủ qua sự phát triển của sinh hoạt xã hội dân sự, thực thi các giá trị dân chủ trong đời sống hàng ngày và chuyển hóa thể chế sẽ là một quá trình tiệm tiến đầy gian nan từ dưới đi lên.

Trong bài ''Hiến Chương 08, quá khứ gian nan và tương lai của Chủ nghĩa Tự Do tại Trung Quốc'' (Charter 08, the troubled History and Future of Chinese Liberalism, The Asia Pacific Journal 2010), Phó giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi) thuộc Đại Học UTS Sydney, người bị công an ngăn cản rời khỏi Trung Quốc vào tháng 3 vừa qua đã tóm lược tiến trình dẫn đến Hiến Chương 08 và dư âm của nó. Hiến Chương 08 không phải bỗng nhiên xuất hiện mà là sự tích tụ của một quá trình tranh luận trong giới trí thức Trung Hoa từ cuối thập niên 90 khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Sự ra đời của nó trùng hợp với một vài sự kiện lịch sử quan trọng trước thềm năm 2009 gồm có tưởng niệm 20 năm thảm sát Thiên An Môn, 50 năm lưu đày của Đức Đạt Lai Lạt Ma, 60 năm kỷ niệm ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và 90 năm từ ngày khởi động phong trào Ngũ Tứ. Hiến Chưong 08 đúc kết quá trình tranh luận và diễn đạt sự đồng thuận trong giới trí thức về một lộ trình chuyển đổi từ thể chế độc tài sang dân chủ hiến trị. Ba người soạn thảo chính là Lưu Hiểu Ba, Trương Tố Hoa (Zhang Zuhua) - cựu lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc và Khương Kỳ Thanh (Jiang Qisheng), một trong những nhân vật lãnh đạo sinh viên trong vụ Thiên An Môn.

Hiến Chương 08 lấy nguồn cảm hứng từ Hiến Chương 77 của Tiệp Khắc và là một bản tuyên ngôn kêu gọi cải cách thể chế toàn diện được chia làm 4 phần. Phần 1 tóm lược phong trào dân chủ tại Trung Quốc trong 100 năm qua, xác định những vấn nạn hệ thống của chế độ cộng sản hiện hành và kêu gọi chế độ gia nhập cộng đồng quốc tế văn minh, tôn trọng nhân quyền và xây dựng thể chế dân chủ. Phần 2 đưa ra 5 khái niệm cốt lõi của một thể chế dân chủ gồm có tự do, nhân quyền, bình đẳng, cộng hòa và hiến trị. Phần 3 liệt kê 19 điều đề nghị cụ thể gồm có tiến trình tu chính hiến pháp, thực thi tam quyền phân lập và hệ thống tư pháp độc lập, tôn trọng nhân quyền và thực thi phổ thông đầu phiếu cho mọi chức vụ quan trọng. Phần 4 là một đúc kết ngắn kêu gọi mọi công dân Trung Quốc tham gia vào tiến trình xây dựng thể chế dân chủ để hoàn thành trách nhiệm quốc tế của một quốc gia lớn là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Lịch sử phần nào tái diễn tại Việt Nam. Vào ngày 29 tháng 6 vừa qua, một tòa án tại Khánh Hòa sau một ngày xét xử đã tuyên án 10 năm tù đối với blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) vì tội nói xấu nhà nước. Mẹ Nấm bị bắt và bị giam giữ từ tháng 10 năm 2016. Bằng chứng được sử dụng để buộc tội Mẹ Nấm là 18 bài viết đăng trên trang Facebook gồm có một số bài phỏng vấn với các cơ quan truyền thông nước ngoài chẳng hạn như Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ và Đài Á Châu Tự Do. Chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc, mở miệng ra nói lên sự thật là có thể đi tù hơn 10 năm. Lưu Hiểu Ba, Trần Huỳnh Duy Thức và Mẹ Nấm mãi mãi sẽ là những trang sử đen tối trong lịch sử triều đại nhà sản tại Trung Quốc và Việt Nam.

Hiến Chương 08 khởi đầu có 303 chữ ký đã thu hút hơm 10.000 người Trung Quốc trong và ngoài nước ký tên ủng hộ. Đại đa số là thành phần trí thức và luật sư nhân quyền. Có người bày tỏ sự thất vọng là phong trào dân chủ không có dấu hiệu tiến triển từ khi Hiến Chương 08 xuất hiện mà Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình ngày càng có vẻ chuyên quyền và độc đoán. Nhưng bất cứ một cuộc cách mạng chuyển hóa thể chế nào cũng đòi hỏi thời gian và giai đoạn. Giới trí thức có trách nhiệm đi trước dẫn đường và cũng vì vậy phải chấp nhận hy sinh trả một giá rất đắt như Lưu Hiểu Ba, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài và Mẹ Nấm. Nhưng họ thật sự là những anh hùng dân tộc và sẽ được lịch sử ghi công.

N.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn