Từ Trung Quốc đến Việt Nam: Còn đảng, còn tham nhũng?

Đoàn Nhã An

Câu hỏi này, bà Lê Hiền Đức trả lời từ lâu rồi: "Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam chỉ hô hào suông chứ không thực tâm chống tham nhũng, thậm chí còn bao che, dung túng tham nhũng, sống dựa vào tham nhũng".

Bauxite Việt Nam

Năm 2012, ngay sau khi trở thành người đứng đầu ĐCSTQ, Tập Cận Bình đã đẩy mạnh chiêu bài chống tham nhũng với câu khẩu hiệu "đả hổ diệt ruồi" mà ngay cả người dân Việt Nam cũng nghe quen tai. Nhưng sự thật vẫn là 5 năm qua, từ lần Đại hội ĐCSTQ năm 2012 cho tới lần mới nhất tháng 10-2017, tình hình chống tham nhũng ở Trung Quốc chẳng hề lạc quan hơn. Chỉ số cảm nhận tham nhũng toàn cầu của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) cho biết, thang điểm của Trung Quốc từ 2012-2016 là: 39/100 năm 2012, 40/100 năm 2013, 36/100 năm 2014, 37/100 năm 2015 và 40/100 năm 2016. Cũng theo tổ chức này, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều nằm trong nhóm các quốc gia có tỉ lệ tham nhũng cao, Việt Nam xếp hạng 113/176 và Trung Quốc xếp hạng 79/176 toàn cầu năm vừa qua.

Điều này cho thấ, công cuộc chống tham nhũng ở Trung Quốc hầu như không khiến cho chỉ số cảm nhận tham nhũng của người dân tại đây thay đổi ở mức đáng kể. Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp hạng Trung Quốc rất thấp ở tất cả các hạng mục khảo sát về tính minh bạch trong năm 2016. Trong đó, có mục khảo sát ý kiến người dân về vấn đề chính phủ có làm tốt việc kiểm soát tham nhũng hay không và họ có lạc quan về tình trạng khắc phục tham nhũng của quốc gia hay không. Từ trả lời của những người được khảo sát, có 3/4 người Trung Quốc cho rằn, tình trạng tham nhũng tại đây ngày càng tệ hại hơn.

Đảng Cộng sản có phải là lí do tham nhũng tồn tại ở Trung Quốc?

Theo GS John Lee của Trường ĐH Quốc gia Úc (Australian National University) và là tác giả cuốn "Liệu Trung Quốc có sụp đổ" (Will China Fail) thì tham nhũng là một phần không thể tách rời khỏi mô hình nhà nước chuyên chế (authoritarian model). Và vì vậy, sở dĩ Trung Quốc không thể kiểm soát tình trạng tham nhũng, cũng bởi do mô hình thể chế. Tại Trung Quốc, GS Lee đánh giá, nhóm người đầu tiên trong xã hội được hưởng các đặc quyền từ mô hình phát triển kinh tế và nhận được các cơ hội mà điều này mang đến, chủ yếu là đảng viên và quan chức nhà nước.

Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, chính quyền Trung Quốc đã nhận diện được mối đe dọa tiềm ẩn từ nhóm trí thức trung lưu. Đó là những kẻ sẽ không còn xem đảng là con đường tiến thân duy nhất trong xã hội nữa. Trong bất kì xã hội nào đang thực thi mô hình công nghiệp hóa đất nước một cách thần tố, thì thành phần trí thức thành thị sẽ là lực lượng quyết định số phận của các chính thể chuyên chế, độc tài. Vì vậy, GS Lee nhận định, ĐCSTQ chỉ còn cách tạo ra giai cấp tinh hoa ấy từ nội bộ của mình, để củng cố quyền lực cho đảng và giúp chế độ tồn tại. Để giai cấp này cúc cung tận tụy với đảng, phải cho họ mặc sức tự tung tự tác trong việc lũng đoạn nền kinh tế để mưu lợi riêng. Thế nên, nếu bây giờ chúng ta bảo rằng ĐCS phải thiết lập ra một cơ chế giải quyết dứt điểm và hữu hiệu tình trạng tham nhũng thì không khác gì bảo họ phải hủy bỏ toàn bộ chiến lược chính trị nói trên.

Giờ đây, thành công về kinh tế và chính trị đã được xem là quá mức đan xen lẫn nhau. Một lượng lớn người tham gia chính trị hoặc chọn trở thành đảng viên là để mưu cầu lợi ích kinh tế cho bản thân. Đây là một khế ước xã hội và chính trị có thật giữa ĐCSTQ và giới tinh hoa. Theo Báo cáo Hurun chuyên thống kê về tài sản ở Trung Quốc, trong năm 2015 đã có 203 vị đại biểu Quốc hội và các nhà lập pháp đứng trong danh sách 1.271 người giàu có nhất tại Trung Quốc với tổng số giá trị ròng (net worth) là 463,8 tỷ đô la. 90% đảng viên ĐCSTQ là doanh nhân và 98% lãnh đạo các tập đoàn lớn là người mang thẻ đảng.

Không có gì đáng ngạc nhiên với những con số này khi chính ĐCS đã và đang dùng lợi ích kinh tế để đổi lại lòng trung thành của đảng viên. Và con số người xếp hàng đăng kí gia nhập đảng lên đến cả trăm triệu. Ngày nay, người ta vào đảng là tìm cơ hội "làm giàu không khó" cho bản thân. Trong khi đó, theo GS Lee, từ năm 2013 đến năm 2015 chỉ có khoảng 200.000 đảng viên bị bắt giữ và kết án vì tội tham nhũng tại Trung Quốc. Con số này chỉ gần bằng 0,25% tổng số đảng viên. Còn tài liệu từ phía Cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc cho biết chỉ riêng năm 2015, họ đã xử lí 300.000 quan chức. Theo BBC, Trung Quốc công bố họ đã xử lí hơn một triệu quan tham từ năm 2014 tới năm 2016, nhưng đó cũng chỉ là 1,18% tổng số đảng viên. Thế nên, ngoại trừ vài cái tên trong các vụ đại án như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang thì rõ ràng là chẳng có bao nhiêu "hổ và ruồi" đã bị diệt.

Trong một mô hình nhà nước, nơi mà địa vị chính trị, hoặc đơn giản chỉ là các mối quan hệ chính trị chồng chéo, mới là yếu tố quyết định cho sự thăng tiến về mặt vật chất trong xã hội thì tham nhũng là một phần không thể tách rời. GS Lee cho rằng không thể tách tham nhũng ra khỏi cái cơ chế mà nhóm quyền lực có trong tay tất cả đất đai, vốn liếng quốc gia và ngay cả sức lao động của nhân dân, chỉ để phục vụ các mục đích cá nhân.

"Đả hổ diệt ruồi" rất có thể là một câu khẩu hiệu êm tai dùng để vỗ về công chúng trong chốc lát và còn có tác dụng đe dọa hay triệt hạ các kẻ đối lập chính trị. Trên thực tế, chính quyền Tập Cận Bình không thể nào ra tay "làm sạch" chính cái cơ chế đang bảo vệ cho đảng của ông ta, vì ĐCS chỉ có sức hấp dẫn khi nó còn tiếp tục mang lại các lợi ích về kinh tế cho cùng một đám hổ ấy cũng như bọn ruồi nhặng bâu theo chúng. Nếu không, nhóm tinh hoa trong đảng có cần quan tâm là lực lượng chính trị nào đang nắm quyền lãnh đạo đất nước nữa hay không? Không được bảo đảm về lợi ích kinh tế, GS Lee nhận định, họ chắc sẽ dám đòi cả nhà nước pháp quyền chứ chẳng thèm để mắt đến "pháp quyền XHCN" của đảng.

Trở lại vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam

Tại Việt Nam, tham nhũng cũng là một vấn đề mà tất cả người dân rất quan tâm. Chỉ số cảm nhận tham nhũng của người dân tại Việt Nam theo Tổ chức Minh bạch quốc tế liên tục là 31/100 từ năm 2012 đến năm 2015, rồi tăng lên 33/100 năm 2016, với 60% người Việt Nam đánh giá chính phủ không kiểm soát tốt vấn đề tham nhũng.

Việt Nam cũng có không ít thông tin về những nhà lãnh đạo rất khá giả. Trong khi đó, ĐCSVN cũng chính là lực lượng lãnh đạo kinh tế quốc gia. Liệu có phải việc đảng giao phó cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) toàn quyền quản lí các khu vực kinh tế chủ đạo đã tạo điều kiện cho các quan chức và người nhà của họ được hưởng lợi ích, từ đó trở nên giàu có?

Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, DNNN được giao phó nguồn lực từ vốn liếng và tài nguyên quốc gia, với những ưu đãi, đặc quyền và hỗ trợ của nhà nước. Vì vậy, họ có nhiều thuận lợi về đất đai, tiền vốn và được giao những dự án lớn, có vị trí độc quyền. Được hưởng nhiều ưu đãi như thế nhưng thành phần kinh tế này lại "đóng góp" nhiều nhất cho tổng số nợ quốc gia vốn đang ngày càng gia tăng.

Các thông tin về những sự cố thất thoát, gây lãng phí hay kinh doanh không có hiệu quả mà đỉnh điểm là các vụ đại án tham nhũng, từ PMU18 đến Vinashin, Vinalines, và gần đây là Trịnh Xuân Thanh - PVC, khiến người dân đặt câu hỏi có phải tài sản tham nhũng của một số quan chức là đến từ số tài sản bị thất thoát này hay không?

Tại Trung Quốc, mối quan hệ giữa ĐCS và nhóm tinh hoa được hưởng lợi ích chính trị và kinh tế vốn đã không thể nào tách rời khỏi nhau nữa. Để bảo vệ cho quyền lực của chính mình, đảng bắt buộc phải bảo vệ quyền lợi kinh tế của nhóm lợi ích nên không thể nào thẳng tay "ném chuột" khi phải luôn canh cánh nỗi lo về một nguy cơ "vỡ bình". Mà nguy cơ đó chính là một khi không còn khả năng đáp ứng cho giới tinh hoa của ĐCS quyền lực và lợi ích kinh tế thì vị trí lãnh đạo của đảng phải làm thế nào mới có thể duy trì?

Việt Nam liệu có đang trong cùng một hoàn cảnh với Trung Quốc khi đứng trước vấn nạn tham nhũng hay không?

Tài liệu tham khảo:

Đ.N.A

Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2017/10/trung-quoc-va-viet-nam-con-dang-con-tham-nhung/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn