TUYÊN BỐ VỀ CÁC TRẠM THU PHÍ BOT



Sự việc

Trong đa số dự án BOT cầu đường đều có sự cấu kết bất minh giữa các nhà đầu tư và một số quan chức chính quyền, cả địa phương lẫn trung ương, trong việc móc túi người dân bằng các thủ đoạn tinh vi như đặt trạm thu phí sai vị trí, đặt liên tiếp nhiều trạm thu phí liền kề trên cùng tuyến quốc lộ, và thậm chí tạo ra các tuyến đường tránh không cần thiết buộc xe cộ phải đi vào để thu phí. Thủ đoạn đó khiến người dân cảm thấy mình phải “trả tiền mãi lộ” mới được sử dụng đường sá mà lẽ ra chỉ cần nộp thuế là đủ.

Nhiều nhà đầu tư chỉ tập trung vung tiền cho quan chức tham nhũng để chạy xin chủ trương và giấy phép thực hiện dự án BOT, sau đó nâng khống vốn đầu tư xây dựng để tạo cơ sở vay nhiều tiền từ ngân hàng và tăng mức phí thu khi đưa công trình vào khai thác. Số vốn ban đầu dành cho những công việc như thế thường rất thấp so với tổng vốn đầu tư xây dựng thật sự, nên đầu tư dưới hình thức BOT trở nên một hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao và thu hồi vốn (thật) nhanh.

Hành động cấu kết để trục lợi của các nhóm lợi ích và quan chức đã khiến người dân phẫn nộ. Đỉnh điểm là sự kiện bắt đầu từ đầu tháng 11/2017, kéo dài cho đến nay, khi các tài xế biểu thị sự bất bình của mình bằng cách dùng tiền lẻ (mệnh giá nhỏ 200 đồng, 500 đồng, cả tiền xu) để trả lệ phí qua đường, gây ách tắc giao thông tại một số tuyến quốc lộ. Cách phản kháng khôn khéo, phi bạo động và hợp pháp này của người dân đã nhanh chóng lan rộng thành phong trào phản kháng BOT toàn quốc, đặc biệt nổi bật và kéo dài nhất là ở trạm thu phí BOT đặt tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Ngày 4/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định yêu cầu trạm thu phí BOT Cai Lậy tạm dừng thu phí một tháng trong khi chờ tìm phương án giải quyết của Chính phủ. Cùng lúc, nhiều nơi khác đã diễn ra tình trạng giằng co kéo dài giữa người dân với chính quyền địa phương, thậm chí nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra để phản đối, như trường hợp ở trạm thu phí BOT Biên Cương, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, trong hai ngày 21 và 22/2/2018, gây ách tắc giao thông kéo dài.

Nguyên nhân

Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tái khẳng định hình thức Hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Đây cũng là quy định pháp luật bấy lâu nay về Hợp đồng BOT và dự án BOT, nhưng đã bị các quan chức tham nhũng phớt lờ hoặc tìm cách lách.

Thông tin về các dự án cơ sở hạ tầng cần kêu gọi vốn đầu tư tư nhân còn nằm trong sự thao túng của các nhóm lợi ích. Việc lập, công bố, phê duyệt danh mục các dự án BOT, quy trình và thủ tục lập hồ sơ dự án, thẩm tra dự án, công bố điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án, điều kiện thắng thầu khi thực hiện đấu thầu rộng rãi chưa công khai và minh bạch. Chính vì vậy đây là nguyên nhân của nhiều vấn nạn trong các dự án BOT trên cả nước.

Người dân lẽ ra có quyền được biết chi tiết bằng cách nào lệ phí áp dụng đối với một trạm BOT nhất định được tính nhằm đạt đến một số tiền cụ thể, vì trên nguyên tắc họ chính là người bỏ tiền ra để hoàn trả vốn đầu tư xây dựng cho nhà đầu tư, hầu tránh tình trạng độc quyền trong thu phí, giúp có thể giám sát doanh thu của các trạm để bảo đảm sự công khai và minh bạch trong hoạt động thu phí của từng trạm. Điều này, đáng tiếc, cho đến nay vẫn là một vùng tối mặc cho các nhóm lợi ích và quan chức tự tung, tự tác.

Đề nghị

Hiện nay đang có sự đối đầu quyết liệt giữa người dân với nhà đầu tư và các chính quyền địa phương trên toàn quốc, mà phần lẽ phải chắc chắn thuộc về phía những người đang đóng thuế nuôi cả bộ máy nhà nước. Nếu không nhanh chóng giải quyết dứt khoát một cách toàn diện, thay vì chỉ đối phó nhất thời, sẽ gây nên tình trạng căng thẳng bất ổn kéo dài về kinh tế, chính trị và và xã hội. Cùng với những nỗi bất mãn dồn nén vốn có sẵn bấy lâu nay về bất công xã hội, tình trạng chiếm đoạt đất đai, nạn tham nhũng tràn lan, v.v…, sẽ có khả năng lớn dẫn đến những hậu quả tệ hại khó lường trước được hoặc sẽ vô phương cứu chữa.

Vì lẽ đó, CHÚNG TÔI, các cá nhân và các tổ chức xã hội dân sự, tuyên bố như sau liên quan về vấn đề nóng bỏng BOT:

1. Nhà nước phải nhanh chóng tổ chức thanh tra ngay tất cả dự án BOT nào nghi ngờ có sự câu kết tiêu cực giữa phía nhà đầu tư với quan chức tham nhũng, với sự tham gia của đại diện giới tài xế, đại diện các doanh nghiệp vận tải, những chuyên gia phân tích đầu tư và luật sư.

2. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, phải kiên quyết dừng các dự án BOT sai phạm đó, đồng thời khởi tố và truy tố những kẻ phạm pháp có liên quan; điều này vừa góp phần ổn định tâm lý người dân đang bất mãn cực độ về các dự án BOT, vừa thúc đẩy thêm công cuộc chống tham nhũng.

3. Cần công khai minh bạch các dự án BOT để người dân biết và chủ động lựa chọn, nhờ đó người dân sẽ nhận thấy việc đặt trạm thu phí nơi nào là hợp lý và hợp với nhu cầu lưu thông thật sự, thì họ sẽ đồng thuận, sẵn sàng nộp phí.

4. Việc đấu tranh chống các dự án và trạm thu phí BOT vừa qua cho thấy người dân Việt Nam nay đã ý thức được đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Điều đó một lần nữa khẳng định rằng cuộc đấu tranh bất bạo động và hợp pháp của người dân trong thời gian qua là hoàn toàn chính đáng, cần được khuyến khích và ủng hộ.

DANH DÁCH KÝ TÊN

A. Tổ chức:

  1. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, ông Lê Thân đại diện
  2. Diễn đàn Bauxite Việt Nam. Đại diện: GS Phạm Xuân Yêm
  3. Diễn đàn Xã hội Dân sự, đại diện: TS Nguyễn Quang A
  4. Nhóm Văn Lang, CH Séc, ông Nguyễn Cường đại diện
  5. Nhóm Vì Môi Trường, Đại diện Nguyễn Thị Bích Ngà

B. Cá nhân:

  1. Đào Công Tiến, PGS, TS, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, TP HCM
  2. Huỳnh Kim Báu, cựu Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu Nước TPHCM, Chủ nhiệm danh dự CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM
  3. Lê Thân, Cựu tù chính trị Côn Đảo, Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng, Nha Trang
  4. Vũ Trọng Khải, TS, nguyên Hiệu trưởng Trường Quản lý Cán bộ Bộ NN&PTNN, TP HCM
  5. Võ Văn Thôn, LS, nguyên GĐ Sở Tư pháp TPHCM, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM
  6. Lê Phú Khải, nhà báo, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM
  7. Phạm Đình Trọng, nhà văn, cựu Thượng tá QĐNDVN, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM
  8. Kha Lương Ngãi, nguyên Phó TBT báo SGGP, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM
  9. Đào Tiến Thi, nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội
  10. Nguyễn Đăng Quang, cựu Đại tá CA, Hà Nội
  11. Dương Hồng Lam, CB hưu trí, TP HCM
  12. Lê Công Định, LS, cựu Tù nhân Lương tâm, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM
  13. Trần Văn Bang, KS, cựu binh chống TC, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM
  14. Lê Khánh Luận, TS Toán, Đại học Kinh tế TPHCM, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM
  15. Hoàng Hưng, nhà thơ, TPHCM
  16. Hạ Đình Nguyên, Nhà báo Tự do, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TPHCM
  17. Phan Đắc Lữ, nhà thơ, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TPHCM
  18. Lê Trần Thị Hải Âu, CHLB ĐỨC
  19. Ngô Kim Hoa (Sương Quỳnh), nhà báo tự do, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TPHCM
  20. Lại Thị Ánh Hồng, nghệ sĩ, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TPHCM
  21. Võ Văn Tạo, nhà báo, Nha Trang
  22. Bùi Tiến An, cựu tù chính trị Côn Đảo, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TPHCM
  23. Hồ Ngọc Nhuận, nhà báo, dân biểu đối lập thời VNCH, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
  24. Tô Lê Sơn, kỹ sư, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TPHCM
  25. Nguyễn Thị Kim Chi, NSUT, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TPHCM
  26. Hoàng Dũng, PGS TS, TP HCM
  27. Bùi Minh Quốc, nhà báo, Đà Lạt
  28. Nguyễn Thị Khánh Trâm, hưu trí, TP HCM
  29. Nguyễn Thu Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM
  30. Trần Rạng, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TPHCM
  31. Nguyễn Hải Sơn, công nhân, CHLB Đức
  32. André Menras- Hồ Cương Quyết, Nhà giáo Pháp-Việt
  33. Tống Văn Công, nhà báo, USA
  34. Trần Minh Thảo, viết văn, Thành viên CLB Phan Tây Hồ, Bảo Lộc, Lâm Đồng
  35. Mai Thái Lĩnh, nhà nghiên cứu, CLB Phan Tây Hồ, Đà Lạt
  36. Hà Sĩ Phu, CLB Phan Tây Hồ, Đà Lạt
  37. Tiêu Dao Bảo Cự, Nhà văn tự do, Đà Lạt
  38. Huỳnh Nhật Hải, Hưu trí, Dalat,
  39. Huỳnh Nhật Tấn, Hưu trí, Dalat.
  40. Trần Thế Việt, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
  41. Nguyên Ngọc, Nhà văn, Hội An
  42. Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ văn, Hà Nội
  43. Đặng Thị Hảo, TS Văn học, Hà Nội
  44. Nguyễn Đình Nguyên, TS Y khoa, Australia
  45. Phạm Anh Tuấn, dịch sách, Hà Nội
  46. Nguyễn Thị Thanh Bình, nhà văn, Hoa Kỳ
  47. Nguyễn Thanh Mai, Nhân viên văn phòng, Praha
  48. Trần Tiến Đức, nhà báo độc lập, đạo diễn phim tài liệu và truyền hình, Hà Nội
  49. Thuỳ Linh, nhà văn, Hà Nội
  50. Nguyễn Quang A, TS, Hà Nội
  51. Bùi Nghệ, Cư trú trú tại Sài Gòn
  52. Nguyễn Phương Nam, cán bộ hưu trí, Bà Rịa Vũng Tàu
  53. Lê Đức Quang, TS, giảng viên đại học, Huế
  54. Đào Minh Châu, Hà nội
  55. Nguyễn Văn Tạc, giáo học hưu trí, Hà Nội
  56. Nguyễn Văn Đức, lao động tự do đã nghỉ việc, TP HCM
  57. Nguyễn Đăng Hưng, giáo sư danh dự ĐH Liège, sống ở Sài Gòn
  58. Nguyễn Minh Khôi, kỹ sư tin học, Kiên Giang
  59. Nguyễn Trần Hải Quan, sinh viên Đại học Mở, thành phố Hồ Chí Minh
  60. Hoàng Hùng, doanh nghiệp, Praha, Cộng hoà Séc
  61. Phan Thị Hoàng Oanh, TS Hoá học, Sài Gòn
  62. Hà Thúc Huy, TS. Hóa học, Sài Gòn
  63. Đào văn Tùng, nghỉ hưu, Mỹ Tho, Tiền Giang
  64. Nguyễn Tâm, kỹ sư điện cơ, Bình Thạnh, Tp HCM
  65. Hoàng Minh Tuấn, Kỹ sư, Hưu trí, Q3, Sài Gòn
  66. Trần Đình Sử, GS đại học
  67. Dinh Huyen Huong, hưu trí, Sài Gòn
  68. Đinh Ngọc Bích, hưu trí, Sài Gòn
  69. Nguyễn Văn Ý, kỹ sư xây dựng, Quảng Bình
  70. Nguyen Thịnh Le, tiến sĩ đại học Berlin, CHLB Đức
  71. Kim Phụng Le, CHLB Đức
  72. Huỳnh Sơn Phước, nhà báo, Hội An, Quảng Nam
  73. Tôn Quang Trí, nguyên phó giám đốc sở công thương TP HCM
  74. Trần Minh Quốc, nhà giáo, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM
  75. Nguyễn Thị Bích Ngà, Quận 3, Sài Gòn
  76. Văn Hiền, lập trình viên, Bình Thuận
  77. Nguyễn Minh Tâm, giáo viên, Sài Gòn
  78. Võ Đức Toàn, tài xế, Sài Gòn
  79. Phạm Duy Hiển (bút danh Phạm Nguyên Trường), Vũng Tàu
  80. Trần Ngọc, kỹ sư cầu đường, TP. Vinh, Nghệ An
  81. Nguyễn Minh Thuận, công nhân kỹ thuật VNPT, nay mở doanh nghiệp, Tp Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang
  82. Nguyễn Anh Minh, quận Tân Phú, TP HCM
  83. Nguyễn Tuấn Anh, lái xe, Hà Nội
  84. Nguyễn Thanh Hải, nông dân, Sài Gòn (Tp.HCM)
  85. Phạm Tuấn Anh, kỹ sư, Hà Nội
  86. Thìn Lê, viết tự do, TP.HCM
  87. Nguyễn Hoàng Ngân (Fb: Luke Nguyen), tự doanh địa ốc, Sài Gòn
  88. Trần Thanh Duy, Nghệ An
  89. Hà Trọng Tấn, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn

Mọi tổ chức và cá nhân đồng ý ký tên vào Tuyên bố xin gửi về địa chỉ: tuyenbobot@gmail.com

Ngày 5/4/2018: Hãy buộc một dải ruy băng vàng…



Thục-Quyên


Hãy cài lên áo, lên tóc, buộc quanh tay một dải ruy băng vàng.
Thành phố của bạn sẽ lên màu và mất đi nét vô cảm.


Một dải ruy băng vàng là biểu tượng của sự chờ đợi một người yêu mến đang ở xa, là sự nhớ thương, và cũng là quyết tâm sẽ xum họp trong tự do, ấm êm, hạnh phúc.

Biểu tượng ruy băng vàng hình như đã theo chân người Anh di dân qua Mỹ từ mấy trăm năm trước, và rồi từ đó lan ra trên thế giới như một cách biểu hiện tâm tình của những con người còn sống, với một con tim còn biết đập nhịp cùng với người khác, một trí óc trong sáng còn hiểu biết giá trị của cuộc sống chính là CON NGƯỜI.

Ngày lại ngày, bao năm qua, những người khao khát sống ngửng đầu như những CON NGƯỜI tại Việt Nam, lại bị đẩy lần lượt vào tù ngục.
169 tù nhân lương tâm chỉ là con số tối thiểu được ghi nhận.
Trong khi họ đang mỏi mòn thì…
Bao nhiêu cái tên còn đọng lại trong trí nhớ của chúng ta ngày hôm nay?
Và những hy sinh của họ, gia đình họ, mẹ già con dại?

Bao nhiêu phiên toà “bỏ túi” đập nát cuộc sống gia đình của họ mà chẳng hề gây chút xôn xao nơi các ông bà thẩm phán, luật sư,

Vì đằng sau lưng họ không có những đống Mỹ kim trăm, ngàn tỷ.
Mà nói cho thực, thì ngay chúng ta cũng bận đi học, đi làm, đi chợ…
The show must go on.

Không thấy, không nghe, không biết, đó là một nét tàn nhẫn trong cuộc sống, nhưng mãi mãi nó sẽ là sự thực trong đa số thầm lặng chúng ta. Nếu chúng ta không thức tỉnh.

Ngày 5/4 tới lại sắp có một phiên toà với nhiều dấu hiệu thuộc loại “bỏ túi” kiểu đó, vì các luật sư chỉ được xem cáo trạng và gặp thân chủ vọn vẹn có khoảng mười ngày trước phiên toà. Đó là phiên tòa sơ thẩm tại Hà Nội xử luật sư Nguyễn Văn Đài cùng các anh em Hội Anh Em Dân Chủ, và luật gia Nguyễn Bắc Truyển.

Nhưng lần này, sự xuất hiện cùng lúc trước toà của hai nhà bảo vệ Nhân quyền quá quen thuộc Nguyễn văn Đài và Nguyễn Bắc Truyển đang gây một làn sóng chú ý tối đa từ các toà đại sứ quốc tế, các tổ chức Nhân quyền Quốc tế, các tổ chức Xã hội Dân sự quốc tế, các dân biểu Mỹ và Đức cũng như văn phòng của ông Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn Giáo, Tín ngưỡng.
Quốc tế được yêu cầu tỏ thái độ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tỏ thái độ khi gặp Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.

Có lẽ quốc tế cũng đang chờ xem thái độ của chính những người Việt Nam.
Đây có thể là cơ hội lớn để mọi người Việt khắp nơi, tại Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội, dùng một dấu hiệu chứng tỏ cho quốc tế biết là dân Việt biết và rất lưu tâm đến các quyền dân sự và chính trị như đã ghi rõ trong bản Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights, ICCPR) của Liên Hiệp Quốc.

Không, không cần phải ngưng đi học, đi làm, đi chợ…
Không cần phải tụ tập hay biểu tình hoan hô đả đảo ai,
Chúng ta chỉ cài lên áo, buộc quanh tay một dải ruy băng vàng
Để nhắc nhở chính mình: con người Việt là những CON NGƯỜI
Có tim có óc và có QUYỀN LÀM NGƯỜI
Hãy cài lên áo, lên tóc, buộc quanh tay một dải ruy băng vàng.
Thành phố của bạn sẽ lên màu và mất đi nét vô cảm.

Những dải ruy băng vàng sẽ nhẹ rung theo nhịp tim của chúng ta để vẫy chào những người bạn trong tù ngục, hẹn quyết chí xum họp với nhau trong Tự Do, Hạnh Phúc. Chúng ta sẽ nhớ! Và chúng ta sẽ làm!

T.Q.
Tác giả gửi BVN.

Bài học từ Hải chiến Trường Sa: Việt Nam đã chiến đấu và phải sẵn sàng chiến đầu một lần nữa



Koh Swee Lean Collin & Ngo Minh Tri
Phạm Nguyên Trường dịch (VNTB)



Chuyến thăm Việt Nam của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, Carl Vinson, ngày 5 tháng 3 vừa qua là hành động mang tính biểu tượng trên nhiều mặt trận. Sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1975, đây là cảng đầu tiên của Việt Nam được hàng không mẫu hạm Mỹ ghé thăm. Ngoài ra, Đà Nẵng, còn là địa điểm đổ bộ đầu tiên của Lính thủy đánh bộ Mỹ, ngày 8 tháng 3 năm 1965 Cuối cùng, như một số nhà bình luận đã chỉ ra, động thái này tượng trưng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trên mặt trận quốc phòng và an ninh, đặc biệt là chuyến thăm này diễn ra sau quyết định của Washington về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Hà Nội.




Người Việt Nam tập hợp gần ĐSQ Trung Quốc tại Seoul (Hàn Quốc) trong một cuộc mít tinh phản đối chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh (Chủ nhật, ngày 24 tháng 7 năm 2016). Ảnh: AP/Ahn Young-joon

Người ta sẽ còn phải xem chuyến thăm mới nhất này có xua đuổi một lần và vĩnh viễn bóng ma của cuộc chiến Việt Nam hay không - đấy là vụ xung đột kéo dài, đẫm máu, làm cho cả hai bên đều thiệt hại năng nề cả về máu, mồ hôi và của cải. Nhưng ở cả hai thủ đô người ta đều tỏ ra lạc quan về việc xây dựng trong dài hạn mối quan hệ song phương giữa hai nước, từng được chăm sóc một cẩn thận sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Sự kiện đó trùng hợp với chính sách đối ngoại được Hà Nội điều chỉnh lại, tạo thuận lợi cho tinh thần độc lập và không liện kết/liên minh, mà hướng ra bên ngoài nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, phục vụ cho chương trình nghị sự trong nước của quá trình “Đổi mới” vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay.

Trận chiến Trường Sa năm 1988

Nhận xét tiếp theo về chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Carl Vinson là nó diễn ra chỉ khoảng một tuần trước ngày kỷ niệm 30 năm Trận chiến trên đảo Gạc Ma, ngày 14 tháng 3 năm 1988. Các nhà hoạch định quân sự của Việt Nam không thể không biết trận này cùng với trận chiến Hoàng Sa vào năm 1974, giữa Việt Nam Cộng hòa và Trung Quốc. Hai trận đánh này chứng tỏ các lực lượng Việt Nam đã thất bại cả về chiến thuật lẫn chiến lược trước Trung Quốc - Bắc Kinh đã nắm chắc được các hòn đảo liên quan và gây thiệt hại cho Việt Nam.
Chắc chắn là, Hà Nội không có ảo tưởng gì về cuộc giao tranh hải quân trong tương lai với Bắc Kinh. Hai nước đã trách cứ nhau về vụ giàn khoan dầu Trung Quốc HYSY-981, năm 2014, khi giàn khoan này đứng gần hai tháng trong khu vực gần quần đảo Trường Sa. Mặc dù sau đó Trung Quốc đã rút giàn khoan về, do đó, có thể coi là chiến thắng của Hà Nội, những bài học phải khó khăn lắm mới học được. Ngẫu nhiên là sự kiện này đã không leo thang thành một cuộc đụng độ tương tự như đã từng diễn ra năm 1988, nhưng lực lượng Việt Nam đã kiệt sức vì cuộc rượt đuổi căng thẳng. Cuối cùng, sự mất cân đối về vật chất và nhân lực giữa lực lượng hải quân của hai bên là quá lớn.

Trong cuộc đối đầu trong tương lai với Trung Quốc, trước hết Việt Nam sẽ phải đối đầu với lực lượng dân quân trên biển và lực tượng tuần duyên của Trung Quốc. Nhưng lực lượng Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), đang ẩn mình, sẵn sàng nhảy ra để chống lưng cho lực lượng bán quân sự của mình mới là đáng quan tâm nhất. Trận chiến năm 1988 cho thấy lực lượng Hải quân PLA đã cho triển khai ba tàu khu trục - Nanchong, Xiangtan và Yingtan - nhằm chống lại các tàu đổ bộ và tàu vận tải của Hải quân nhân dân Việt Nam. Kết quả đã được xác định trước. Những con tàu chậm chạm, trang bị nhẹ khộng thể nào đương cự được với những tàu chiến trang bị tốt và chạy nhanh của Trung Quốc. Việt Nam mất ba tàu và hơn 60 người trong cuộc chiến ngắn ngắn ngủi, nhưng dữ dội này.

Cái bóng của Trung Quốc

Không nghi ngờ gì rằng Trung Quốc đang hiện diện trong tâm trí các nhà lãnh đạo ở cả Hà Nội lẫn Washington, khi họ tiếp xúc với nhau.

Hà Nội không dấu diếm cảm giác lo lắng trước sức mạnh vật chất ngày càng gia tăng và cùng với đó là thái độ quyết đoán cũng ngày càng gia tăng của Bắc KInh. Điều này thể hiện rõ khi quân đội Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông, cùng với việc tung ra “ngoại giao nụ cười” với các nước ASEAN và kêu gọi hợp tác, trong đó có thỏa thuận bắt đầu đàm phán chính thức về Quy tắc ứng xử đã được đề xuất. Quan tâm của Việt Nam về các tranh chấp trong tương lai càng gia tăng hơn nữa, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền đề nghị cải cách rộng rãi Hiến pháp, trong đó có việc bãi bỏ các điều khoản giới hạn thời gian nắm quyền của chủ tịch không quá hai nhiệm kỳ - khả năng là Tập [Cận Bình] sẽ nắm quyền lực suốt đời.

Không cần nhắc rằng những khoe khoang sức mạnh của Trung Quốc trong những năm gần đây đều diễn ra dưới sự chứng kiến của Tập [Cận Bình]. Điều này chỉ có thể nghĩa là “công việc bình thường” - và thậm chí cả tình huống xấu hơn ở Biển Đông - dưới thời Tập [Cận Bình. Thỏa thuận Trung Quốc-ASEAN chưa thể được đảm bảo, và có thể biến mất một cách đột ngột bất cứ lúc nào. Sự kiện dường như không thay đổi là gia tăng liên tục sự hiện diện của Bắc Kinh trong và xung quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang trong vòng tranh chấp. Mặc dù mục đích thực sự của giới tinh hoa chính trị Trung Quốc luôn luôn mờ mịt, những căn cứ nằm rải rác trên các hòn đảo này là sự kiện không thể phủ nhận - rõ ràng như pha lê.

Do đó, chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Carl Vinson là rất thích hợp. Chuyến thăm phải được coi là một trong một loạt các biện pháp phối hợp của Hà Nội nhằm gửi đi tín hiệu nghiêm túc tới láng giềng đầy sức mạnh ở phương bắc. Ngay trước chuyến thăm của hàng không mẫu hạm, Chủ tịch Trần Đại Quang đã tới thăm New Delhi, một trong những đối tác gần gũi nhất của Hà Nội. Trong chuyến thăm này, cả hai nước đã nhất trí hợp tác nhằm xây dựng “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương độc lập, cởi mở và thịnh vượng” - dường như cộng hưởng mạnh mẽ với khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở và tự do” được Nhật Bản, đối tác gần gũi khác nhất của Việt Nam cổ vũ.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều tàu hải quân nước ngoài viếng thăm các cảng của Việt Nam. Trước chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson, nhiều tàu khu trục lớp Arleigh Burke gắn tên lửa có điều khiển đã ghé thăm các cảng Việt Nam. Các chiến hạm Australia, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã ghé thăm các cảng Việt Nam; đáng chú ý là năm ngoái, tàu chở trực thăng JS Izumo (DDH-183) đã viếng thăm Việt Nam trong chuyến ra khơi xa đầu tiên của mình. Trong khi Trung Quốc xây dựng thêm nhiều hàng không mẫu hạm thì Nhật Bản lập kế hoạch chuyển loại tàu lớp Izumo thành hàng không mẫu hạm thực sự, những con tàu này thậm chí có thể đưa các máy F-35B vào trận chiến. Vì vậy, chuyến hải hành của Izumo ở biển Đông dường như là nhằm gửi tín hiệu thách thức tới Trung Quốc.

Năm ngoái, Australia đã đưa tàu HMAS Ballarat, tàu khu trục lớp Anzac có lắp tên lửa có điều khiển tới thăm Đà Nẵng. Tháng 9 năm 2017, tàu khu trục tàng hình INS Satpura (F48) và tàu hộ tống chống tàu ngầm INS Kadmatt (P29) của Hải quân Ấn Độ, mang theo tổng cộng 645 nhân viên đã thăm thành phố Hải Phòng. Các tàu chiến của họ hiện diện ở biển Đông, nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Nói về quan hệ và vũ khí

Mặc dù tất cả những tinh tế ngoại giao mà ta có thể thấy được kể từ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, tháng 8 năm 2017, nguy cơ xung đột ở Biển Đông vẫn hiện diện. Mặc dù triển vọng ban hành Quy tắc Ứng xử vẫn chưa rõ ràng, Hà Nội dường như đang sẵn sàng trước tình huống tồi tệ nhất. Những trận đánh năm 1974 và 1988 là những cảnh báo của lịch sử. Tuy nhiên, bối cảnh địa chính trị đã khác nhiều; cung cấp cho Hà Nội những lựa chọn chiến lược về quan hệ và vũ khí lớn hơn hẳn trước đây.

Nói về các mối quan hệ, việc điều chính chính sách đối ngoại sau Chiến tranh Lạnh đã cho Việt Nam những con đường tới những quốc gia khác nhau mà trước đây chưa hề có. Tất nhiên, Hà Nội cố gắng giữ tình hữu nghị truyền thống với các nước thuộc khối cộng sản cũ, trước hết là Nga. Tuy nhiên, nước này cũng tìm cách phát triển mối quan hệ gần gũi với phương Tây. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam không còn đứng ngoài như người đại diện cho Liên Xô nữa, mà đã được chấp nhận để trở thành thành viên đầy dủ của ASEAN và suốt mấy thập kỷ qua, đã thể hiện là người ủng hộ nhiệt tình của khối và lý tưởng của nó vì cơ cấu an ninh khu vực, một tổ chức đang hướng tới cách tiếp cận mang tính dung hợp nhằm lôi kéo các cường quốc xung quanh như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ nhằm giành được vị trí thực sự trong nền hòa bình và ổn định ở châu Á.
Cho đến nay, môi trường thời hậu-Chiến tranh Lạnh cũng mở ra cho Việt Nam một con đường khác, đầy giá trị, nhằm xây dựng năng lực quốc phòng của mình. Trong khi nước này tiếp tục hướng về Nga với với nhiều “hóa đơn lớn”, Việt Nam còn tận dụng được các nguồn khác như Israel, Hà Lan và Thụy Điển để mua các món hàng nhỏ. Trong bối cảnh hiện nay, Hà Nội cần thêm thời gian để cuối cùng không còn phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí của Nga, với những rủi ro liên quan đến việc bị cắt nguồn cung cấp trong khi xảy ra xung đột với Trung Quốc, do quan hệ chiến lược Trung-Nga đã gia tăng sau khủng hoảng Ukraine vào năm 2014. Đến nay, bằng cách tiếp cận như thế, Việt Nam đã từng bước đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khi và có thể xây dựng được lực lượng quân sự mạnh mẽ hơn, trong đó có hải quân, khác hẳn hồi năm 1988.

Tính toán thực tế cho tương lai

Mặc dù bối cảnh chiến lược mà Việt Nam thấy mình rơi vào đã khác trước rất nhiều, không còn chỗ cho thái độ tự mãn nữa. Việt Nam phải sẵn sang chiến đấu với Trung Quốc một lần nữa, nếu bị đẩy quá mức. Triển vọng không phải là cường điệu, nếu biết rằng, tháng 8 năm 2017 Bắc Kinh đã đe doạn tấn công các lực lượng Việt Nam trong vùng biển tranh chấp, nếu Hà Nội không yêu cầu công ty khai thác dầu Repsol (Tây Ban Nha) ngừng hoạt động trong khu vực mỏ dầu ngoài khơi, cũng đang bị Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Cuối cùng Hà Nội đã đầu hàng và Repsol rút lui.

Nhưng rõ ràng là, Việt Nam không muốn tỏ ra yếu đuối trước Trung Quốc. Sự tín nhiệm đang bị đe dọa, với cả những hậu quả - cả ở trong nước lẫn trên trường quốc tế - đối với tầng lớp lãnh đạo ở Hà Nội. Và bây giờ, sau khi nhìn thấy những động thái bên trong ASEAN, diễn ra trong nhiều năm tranh chấp ở Biển Đông, Hà Nội đã rút ra kết luận đáng sợ rằng, nếu xảy ra chiến tranh thực sự với Trung Quốc, khối này sẽ không có lập trường thống nhất, ngoại trừ lời tuyên bố kêu gọi tất cả các bên ngừng bắn và ngồi vào đàm phán. Một số nước thành viên ASEAN thậm chí có thể công khai đứng về phía Bắc Kinh, hoặc chỉ giữ thái độ trung lập. Trong trường họp tốt nhất, Việt Nam có thể coi ASEAN là cơ sở cho quá trình phục hồi kinh tế thời hậu chiến, mặc dù triển vọng như vậy cũng không chắc chắn, nếu xét đến sự phụ thuộc kinh tế của khối vào Trung Quốc và khả năng trả đũa về kinh tế của nước này.

Có rất nhiều khả năng là, nếu xảy ra chiến tranh với Trung Quốc trên biển Đông, Việt Nam sẽ được nhiều cường quốc ủng hộ, nhưng họ sẽ không trực tiếp can thiệp bằng quân sự, đặc biệt là nếu Bắc Kinh giữ cho các cuộc xung đột chỉ diễn ra trong khu vực và tự kiềm chế để không khiêu khích quốc tế phản ứng quyết liệt. Như vậy, Hà Nội có thể kỳ vọng các siêu cường thân thiện bên ngoài khu vực cổ vũ, hoặc trong trường hợp tốt nhất, lên án Bắc Kinh về mặt ngoại giao và có thể có được giúp đỡ về vật chất và kỹ thuật cho cuộc chiến đấu. Nhưng không hơn.

Nếu ngày định mệnh xảy ra, liệu Hoa Kỳ có thể hiện cơ bắp của mình bằng nhóm hàng không mẫu hạm tấn công ở khu vực nào đó gần bờ biển Trung Quốc hay gần nơi diễn ra chiến sự, và điều đó có tạo ra kết quả khác biệt hay không? Có thể, nhưng không ai có thể nói chắc được.

K.S.L.C & N.M.C.
__________
Tác giả bài viết: Koh Swee Lean Collin là nghiên cứu viên tại Maritime Security Programme, at the S. Rajaratnam School of International Studies, Nanyang Technological University, Singapore ; và Ngo Minh Tri nghiên cứu về các vấn đề an ninh quốc tế và chủ bút tờ Thanh Niên ở Việt Nam.
Nguồn: Thediplomat
VNTB gửi BVN.

Ca sĩ Mai Khôi bị thẩm vấn và thanh niên VN ‘đội sổ’ về sự tham gia đời sống chính trị


Ánh Liên (VNTB)



Việt Nam xếp thứ 152/183 quốc gia về sự tham gia của thanh niên vào đời sống chính trị, theo Báo cáo đánh giá chỉ số phát triển thanh niên 2016.

Thứ hạng 152/183 cho thấy sự tham gia của thanh niên Việt Nam vào đời sống chính trị còn rất yếu’, Hoàng Xuân Châu, Trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu thanh niên đưa ra tại hội thảo ‘Sửa đổi luật Thanh niên theo hướng tiếp cận phát triển thanh niên’, do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và T.Ư Đoàn tổ chức chiều 28.3.

Rất yếu’ là điều phản ánh chính xác, nhưng nên bày tỏ thêm là ‘không thể chấp nhận’ được để có thể cải thiện được vấn đề. Bởi mấu chốt không nằm ở việc sửa đổi luật Thanh niên theo hướng nào, mà nằm ở nhà nước cởi bỏ quan điểm chính trị thuần túy cho một nhóm đối tượng ra sao.



Thanh niên Việt Nam và hoạt động chính trị chủ yếu là... LGBT hoặc bình đẳng giới. Ảnh: UNFPA Vietnam

Cũng là thanh niên, nhưng một nhóm thanh niên được phân cấp làm thủ lĩnh và học làm lãnh đạo; nhóm thanh niên còn lại là tôi tớ trung thành, là thành tố mà nhà nước muốn giữ nguyên ở vị trí sản xuất vật chất, của cải xã hội. Và tuyệt nhiên, mọi thứ nếu dính dáng đến chính trị đều bị cấm ngặt.

Chính trị bảo trợ và chính trị cấm đoán

Ở Việt Nam, muốn tham gia chính trị buộc phải thuộc lòng Điều 4, Điều 117 (tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - hai điều quan trọng nhất để khiến thanh niên tham gia đời sống chính trị và không phải rơi vào cái vòng phán xét mà nhà nước đặt ra là ‘phản động’.

Các đợt sinh hoạt chính trị được cho rộng lớn trong nước mà thanh niên Việt Nam ngày nay có thể tham gia là, viết bài tìm hiểu về một sự kiện lịch sử nhất định. Và sau đó, giới truyền thông có thể tung hô: Sau 3 tháng triển khai ‘Tìm hiểu lịch sử quan hệ/ sự kiện…’ đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia’. Nhưng thực tế, sự ‘tham gia’ đó lại là việc giao chỉ tiêu bài viết tìm hiểu cho từng chi đoàn/công đoàn cơ sở, thành ra, ‘tìm hiểu’ trở thành ‘sao chép’ lẫn nhau nhằm tạo nên một khối lượng bài thi khổng lồ để bên tổ chức (Trung ương Đoàn, Ban Tuyên giáo, và một số tổ chức thuộc khối chính trị - xã hội) có thể tự tin ‘báo cáo thành tích’ cuối năm.

Vào năm 2013, nhân sự kiện Quốc Hội Việt Nam ban hành Hiến pháp mới, nổi lên cái gọi là ‘Nghị viện trẻ’ (hay còn gọi là Diễn đàn Quốc hội trẻ Việt Nam) - gắn nó như là ‘kênh thông tin giúp nâng cao ý thức chính trị cho giới trẻ’. Thực tế, đây là một mô hình hay, ít nhất đảm bảo thanh niên hiểu biết về cấu trúc lập pháp, các hoạt động nghị trường, và giả lập một môi trường chính trị để thanh niên có cơ hội tham gia bàn thảo. Tuy nhiên, sau một vài hoạt động nhỏ lẻ và được vài trang tin đưa tin, hoạt động này sau đó lại chìm lỉm.

Thanh niên Việt Nam được tiếp cận với một phương trình chính trị an toàn nhất như hoạt động tình nguyện, lập nghiệp; giáo dục chính trị tư tưởng; xây dựng phát triển Đoàn,… Riêng về mảng nhân quyền (vốn nhạy cảm) thì được thực hành và bàn thảo với chủ đề định sẵn như LGBT, bình đẳng giới vậy.

Rõ ràng, thanh niên Việt Nam bị tước đi cái quyền tìm hiểu và tham gia chính trị, mặc dù các văn bản Luật có liên quan vẫn cổ vũ. Tất cả đưa đến câu hỏi thường niên: sau bao nhiêu năm bị kiềm tỏa, giới trẻ có quan tâm đến thời cuộc?




Đôi khi chính trị của thanh niên là tham gia tìm hiểu về một sự kiện lịch sử do nhà nước bảo trợ. Ảnh: Mylai Peace Fondation

Dĩ nhiên là có

Dĩ nhiên là có, và nàng ca sĩ Đỗ Nguyễn Mai Khôi là một ví dụ điển hình như thế. Ca sĩ Mai Khôi, người đã bị tạm giữ tại sân bay Nội Bài trong vòng 8 giờ đồng hồ, khi cô trở về nước sau chuyến lưu diễn ở châu Âu. Cô bị tịch thu nhiều bản album mới, tra soát cuốn nhật ký, bị phía an ninh tra hỏi ‘đi đâu, gặp ai, làm gì, nói gì’.

Sở dĩ phía an ninh phải làm việc với nàng ca sĩ này chỉ bởi, vào năm 2016 - Mai Khôi tự ứng cử làm thành viên Quốc Hội, tiếp đó - cô nàng là một trong những đại diện của phía Xã hội dân sự Việt Nam được tham gia và gặp gỡ Tổng thống Obama nhân chuyến thăm của ông đến Hà nội; là ca sĩ và nhạc sĩ sáng tác ra những bài hát có sắc màu chính trị như: Trái tim vô cảm, Bus trip, Vui lòng thưa ngài, trôi vào tự do…(*)

Là nghệ sỹ, tôi chỉ hát về những gì đang cào cấu tim tôi, về những gì tôi đã tận mắt chứng kiến, về những nỗi bất bình, về những mong muốn cơ bản, về những giá trị phổ quát của con người, chỉ vì thế thôi mà tôi đã bị tạm giữ 8 tiếng’, ca sĩ Mai Khôi cho biết trên Facebook cá nhân của mình.

Không dừng lại, nhiều trang mạng tấn công, nhục mạ, nguyền rủa cô là ‘tiếp tay ngoại bang; dâm chủ’,…


Mai Khôi vẫn cứ hát, vẫn cứ tiếp tục đi, cô ‘độc lập’ với một phong cách mạnh mẽ; cùng với 129 người bị bắt giữ và rất nhiều người bị đe dọa, đánh đập, bỏ tù. Cô là một minh chứng cho việc, thanh niên Việt Nam có quan tâm đến thời cuộc, và bị đe dọa bởi chính Nhà nước vì sự quan tâm đó.



Vận động tranh cử’ của ca sĩ Mai Khôi là hoạt động hiếm hoi trong đời sống chính trị và bản thân Nhà nước Việt Nam không thích điều này. Ảnh: FB Mai Khoi

Please, sir’ (thưa ngài), giai điệu đòi cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải trả quyền tự do cho người dân vẫn cứ len lỏi, lập lòe, và chờ đợi một ngày bùng phát lên. Trong khi chờ điều đó diễn ra, thanh niên Việt vẫn cứ đội sổ về quan tâm chính trị.
A.L.
__________
(*) Phong trào hát và sáng tác ca khúc chính trị tại Việt Nam có từ ngay trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam tại cả hai miền Nam-Bắc. Thậm chí sau năm 1975, phong trào ca khúc chính trị tiếp tục nổi lên với nhiều nhóm nhạc. 
VNTB gửi BVN.

Giải thưởng 2017 của Văn Đoàn Độc Lập: “cứ làm việc mình cho là đúng”



FB Khanh Nguyen



Cuối tháng 3/2018, Văn Đoàn Độc Lập, một tổ chức tập hợp trí thức, thuần túy về văn học nghệ thuật đã tiến hành phát giải thưởng, lần thứ 3, kể từ khi thành lập đến nay.
Theo thông báo, thì giải thưởng cho năm 2017 có những điều rất thú vị. Nhưng thú vị hơn cả là những cuộc ngăn chận thô bạo đối với những người cầm bút. Có người bị an ninh đe dọa phải quay trở về nhà, có người thì bị đâm lủng bánh xe, rồi có người thì bị lùng nhùng đeo đám - công khai đến trơ trẽn. Thậm chí ban tổ chức 3 lần đổi địa điểm phát giải, cả 3 lần lượt bị cúp điện, cúp nước...
Nhưng rồi giải thưởng 2017 của Văn Đoàn Độc Lập vẫn tuyên bố xong. Dù ngay thời điểm đó, Ban Tuyên giáo công khai nói có ý định rút toàn bộ tác phẩm ra khỏi sách giáo khoa, với những ai là thành viên của Văn Đoàn Độc Lập.
Nhà văn Hoàng Hưng, thành viên ban tổ chức giải của Văn Đoàn Độc Lập, có cho biết thêm về tình hình.





Nhà văn Hoàng Hưng

Thưa nhà thơ Hoàng Hưng, giải văn chương của Văn Đoàn Độc Lập 2017 có gì đáng chú ý, xin ông nói sơ qua cho mọi người được biết

Các thành viên Hội đồng Giải Văn Việt năm nay nhất trí khá cao về chất lượng các tác phẩm đoạt giải. Nhất trí tuyệt đối đối với 3/5 tác phẩm đoạt Giải: tiểu thuyết “Những tháng năm cuồng nộ” của Khuất Đẩu, thơ Phapxa Chan, và dịch phẩm “1984” của Phạm Nguyên Trường (nguyên tác của G. Orwell). Phát hiện mới là tác giả đoạt giải Thơ, Phapxa Chan, một người rất trẻ, đang ở độ tuổi 20, mới cầm bút từ 2016. Anh đã gửi gắm cho Văn Việt những bài thơ đầu tay của mình, và ngay lập tức đã gây được ấn tượng mạnh vì chất lượng nghệ thuật và phong thái riêng biệt, mới mẻ; rồi tiếp tục với những chùm thơ cho thấy tiềm năng mở rộng, phát triển thế giới thơ của mình một cách đầy hứa hẹn.

Thưa ông, đâu là sự khác biệt giữa tiêu chí của Văn Đoàn Độc Lập và hệ thống văn hóa chịu kiểm duyệt của nhà nước hiện tại, khi có người nói rằng hầu hết cũng là những tác phẩm không quá khác biệt với dòng văn chương được chấp nhận?

Tiêu chí lựa chọn tác phẩm của chúng tôi là căn cứ hoàn toàn và chỉ căn cứ vào chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, không có “định hướng” về quan điểm triết-mỹ học, tư tưởng chính trị xã hội. Chúng tôi từng trao giải cho các tác phẩm đã bị nhà nước thu hồi, nghiền thành bột giấy (“Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn) hay không thể in ở bất cứ nhà xuất bản nào trong nước như “Thời biến đổi gien” của Bùi Ngọc Tấn, “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông cuộn sóng”; “Mekong, dòng sông nghẽn mạch” của Ngô Thế Vinh, tản văn của Tuấn Khanh, tiểu thuyết “Nhảy múa để chết” của Nguyễn Viện. Trong 5 giải của năm nay, có 3 giải cho các tác phẩm không thể được hệ thống kiểm duyệt của nhà nước chấp nhận: tiểu thuyết và truyện ngắn của Khuất Đẩu, truyện ngắn của Mai Sơn, bản dịch tiểu thuyết “1984” của G. Orwell. Vậy chắc là khó nói rằng “hầu hết cũng là những tác phẩm không quá khác biệt với dòng văn chương được chấp nhận…”
Với quan điểm cá nhân của mình, ông có đặc biệt muốn nhấn mạnh đến tác phẩm nào trong kỳ giải thưởng lần này?

Thoả mãn cả nhu cầu thông điệp xã hội và sáng tạo nghệ thuật là điều rất khó thấy trong hiện tình văn chương tiếng Việt. Tiểu thuyết “Những tháng năm cuồng nộ” của Khuất Đẩu đã phần nào đạt được. Nó làm tôi cười ra nước mắt vì số phận người dân nước mình trong cuộc chiến kéo dài không chỉ 30 năm trên chiến trường từ 1945, mà còn đến tận bây giờ trong lòng người Việt khắp thế giới.
Một số khách mời của Văn Đoàn độc lập trong giải thưởng lần ba như nhà văn Khuất Đẩu, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Dạ Ngân, nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà báo Lê Phú Khải, nhà thơ Đỗ Trung Quân, dịch giả Mai Sơn, nhà báo Sương Quỳnh... đều gặp những rắc rối khi có ý định đến tham dự. Còn về ban tổ chức thì như thế nào, ông có thể mô tả lại cho những người quan tâm?

Nhiều thành viên Hội đồng Giải Văn Việt đã bị an ninh ngăn chặn thô bạo ngay trước cửa nhà. Nhà thơ Bùi Chát bị khoảng 15 người chặn ngay từ tối hôm trước ngày trao Giải. Nhà văn Kim Cúc, nhà thơ Ý Nhi lần đầu tiên trải nghiệm quyền tự do đi lại của mình bị tước đoạt. Nhà văn Đặng Văn Sinh năm nào cũng bị an ninh Hải Dương tới nhà đe doạ để không vào Sài Gòn dự trao Giải, đã phải bỏ vé máy bay khứ hồi đã mua.

Ban tổ chức đã rất vất vả vì phải đổi địa điểm họp mặt tới 3 lần trong một buổi sáng vì bị cắt điện, cắt nước. Có đông an ninh bám sát ở cả 3 nơi, nhưng ghi nhận là họ không xông vào hành hung hay phá phách gì, chỉ ngồi gần quan sát và liên tục điện thoại báo cáo… Có chi tiết vui là một khách mời vừa “live stream” khen “nhà hàng rất kiên gan, vẫn cố gắng nấu ăn cho khách dù bị cúp điện” thì… 3 phút sau, nhân viên nhà hàng đến xin lỗi là “không còn cả nước để nấu”. 30 con người, nhiều bậc “lão thành cách mạng”, phải vác bụng đói meo đi tìm chỗ ăn tạm buổi trưa. Họ “chỉ đạo chiến dịch” sát sao từng phút, cả trên trận địa thực lẫn trận địa ảo!

Riêng tôi đã bị châm 6 lỗ kim vào bánh xe, ông già 76 được dịp luyện công dắt chiếc xe xẹp bánh đi vài cây lô mếch giữa trưa nắng Sài Gòn mới thay được ruột xe. Chắc đó là lời cảnh cáo đầu tiên! Lần sau rất có thể là 1 cú tông xe, nhỉ!
Về phần mình, ông lý giải như thế nào thái độ của nhà cầm quyền hết sức khắc nghiệt với một sinh hoạt văn chương bình thường như vậy?

Ngay từ những ngày đầu ra đời Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, tôi đã có không ít lần “làm việc” hoặc “trò chuyện” với an ninh. Hỏi: “Văn Việt chỉ làm văn chương, đâu có đi sâu về chính trị mà các anh quan tâm thế?” Trả lời: “Vì các bác CÓ TỔ CHỨC”. Còn Hội Nhà văn VN và Tuyên huấn Đảng thì đã nhiều lần nêu quan điểm rõ ràng: không chấp nhận một tổ chức văn hoá đứng ngoài hệ thống, một tổ chức khác với Hội Nhà Văn do Đảng Cộng sản lãnh đạo và kiểm soát.

Văn đoàn Độc lập cố xê dịch - nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - để tìm một không gian riêng trong xã hội độc tài, nhưng với hiện trạng thì ông nghĩ Văn đoàn đang tự cô lập mình trong xã hội, hay thành công trong việc nhẫn nhịn và chờ đợi một giai đoạn mới?

Việc của nhà văn là sáng tác. Việc của Văn Việt là thúc đẩy sáng tác của nhà văn bằng một diễn đàn tự do công bố tác phẩm. Diễn đàn cho cả các nhà văn đang ở nước ngoài muốn đến với bạn đọc trong nước (hiện có khoảng 150 tác giả ở nước ngoài có mặt trên Văn Việt). Không kể các chuyên đề giới thiệu một cách hệ thống Văn học miền Nam trước 1975 (tới nay đã có gần 470 kỳ), Thơ Hải ngoại sau 1975 (53 tác giả), Truyện ngắn Hải ngoại (đã có 24 kỳ), và bắt đầu “Dòng nhạc kỷ niệm” (ca khúc miền Nam trước 1975). Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục và mở rộng thêm những công việc như thế.

Văn đoàn Độc lập đã có những bước liên kết xuất bản với các nhà xuất bản bên ngoài VN chưa?

Đã liên kết xuất bản ở Mỹ 3 cuốn sách: “Truyện ngắn Văn Việt” 1 và 2, “40 năm Thơ Việt Hải ngoại” (ra mắt tại báo Người Việt tháng 9/2017).

Mới đây, Ban Tuyên giáo có công khai ý định về việc khai trừ sự hiện diện của nhà văn Nguyên Ngọc và các thành viên Văn đoàn ĐL trong xã hội, qua việc muốn rút tên trong sách giáo khoa. Ông nghĩ sao về việc này? Đó có phải là một cách “tuyên chiến” với Văn đoàn Độc lập không?

Ngay từ ban đầu, họ đã chỉ đạo vu khống Ban Vận động VDĐL là “phản động”, nhận tiền của bọn phản động từ nước ngoài, họ cấm tối đa việc các thành viên xuất hiện trên báo chí, truyền hình, không cho đi dự Đại hội Hội Nhà văn, sách nhiễu nhiều tác giả xuất hiện trên Văn Việt, kể cả phá việc làm ăn sinh sống… Cái mới lần này là có 1 văn bản chỉ thị giấy trắng mực đen được phơi bày trên mạng. Thế thôi!

Hãy thử đặt mình vào vị trí của một người cộng sản từng cống hiến cả đời, và nay bị đối xử thô bạo như vậy với những hoạt động phát triển văn hóa ôn hòa, ông sẽ cảm nhận như thế nào, và ông nghĩ nhà văn Nguyên Ngọc sẽ như thế nào?

Tôi may mắn chưa bao giờ là “người cộng sản”, nhưng rất cảm thông với nỗi đau của những người như nhà văn Nguyên Ngọc, luật gia Lê Hiếu Đằng, tướng Trần Độ… và cho rằng việc họ dứt bỏ các danh lợi mà Đảng ban cho thật đáng khâm phục, tương tự những trí thức, nhà giàu thời Pháp quay ra chống Pháp vậy.

Hãy hình dung Văn đoàn Độc Lập vào năm tới, ông lạc quan hơn hay bi quan hơn bối cảnh hiện tại?

Lạc quan cũng sai, bi quan cũng sai, chỉ “cứ làm việc mình cho là đúng” là đúng.
Tuấn Khanh (ghi)

Nguồn: https://www.facebook.com/notes/khanh-nguyen/gi%E1%BA%A3i-th%C6%B0%E1%BB%9Fng-2017-c%E1%BB%A7a-v%C4%83n-%C4%91o%C3%A0n-%C4%91%E1%BB%99c-l%E1%BA%ADp-c%E1%BB%A9-l%C3%A0m-vi%E1%BB%87c-m%C3%ACnh-cho-l%C3%A0-%C4%91%C3%BAng/2085481364795294/

Ngân hàng thúc ép đòi nợ người dân thảm họa Formosa, Chính phủ có thể ra tòa


FB Trịnh Anh Tuấn



Ảnh: Một thông báo đòi nợ liên tục được gửi tới người dân thời gian qua.

Đầu tháng 4 năm nay, sẽ kỉ niệm 2 năm thảm họa Formosa, chuyện mà phía chính quyền cộng sản tìm cách đánh tráo khái niệm và loại bỏ Formosa ra khỏi thảm họa đó bằng từ “sự cố ô nhiễm môi trường biển Miền Trung”. Họ sử dụng cụm từ này như một mệnh lệnh, kiểu như từ “tàu lạ” mà chúng ta nghe chục năm nay.

Cách đây đúng tròn 1 năm, một sự kiện chấn động đã xảy ra tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Người dân khi đòi tiền bồi thường thiệt hại từ chính quyền đã chiếm luôn UBND huyện Lộc Hà khi những yêu cầu của họ không được giải quyết, toàn bộ quan chức địa phương trốn biệt khi người dân tìm. Sự việc này là nguyên nhân chính khiến 2 người hoạt động hỗ trợ truyền thông và pháp lý bị truy tố. Hoàng Bình mới bị kết án 14 năm tù vì một vụ giúp đỡ khiếu kiện Formosa ở Quỳnh Lưu, Bạch Hồng Quyền hiện tại vẫn đang trốn nã.

Sau 2 năm thảm họa, tiến trình bồi thường từ 500 triệu đô la của Formosa vẫn chưa hoàn thành. Tình trạng khiếu kiện vẫn diễn ra khắp nơi từ trung ương đến địa phương. Chính quyền vẫn tìm cách cắt xén những khoản tiền bé nhỏ của người dân, tiêu biểu là Quyết định 1826 kí ngày 29/11/2017của Thủ tướng gần đây đã giảm số tiền bồi thường hải sản bị hư hỏng cho ngư dân xuống còn 30%.
Gần đây, mình nhận được rất nhiều điện thoại, tin nhắn của người dân ở miền Trung kêu cứu vì ngân hàng đòi nợ, đặc biệt là tại huyện Lộc Hà, nơi có cảng cá Cửa Sót, một trong những cảng cá sầm uất nhất khu vực miền Trung (giá đất ở khu vực này không thua kém đất Hà Nội nhiều). Để có tiền kinh doanh mua sắm ngư cụ, hải sản; ngư dân và các hộ kinh doanh ở đây vay ngân hàng khá nhiều. Mỗi hộ từ vài trăm triệu đến chục tỷ. Từ ngày thảm họa diễn ra, gần như họ không thể kinh doanh gì. Rất nhiều hàng hải vẫn ở trong kho đến 2 năm trời. Giá cả thì xuống thảm hại. Những đồng tiền bồi thường ít ỏi vẫn chưa nhận được, hoặc nhận được rất ít; còn bị gây khó dễ, tìm mọi cách cắt xén. Mỗi khi nhận được ít tiền bồi thường thì ngân hàng liên tục đòi nợ, dọa dẫm. Họ gần như tuyệt vọng, mỗi lần tôi nhận điện thoại của họ là mỗi lần nghe họ than thở, kể lể đến mệt người. Nhưng mình biết những lời của họ là thật.

Quay lại chuyện ngân hàng. Để có tiền kinh doanh, họ phải thế chấp nhà cửa, tài sản để vay tiền. Và giờ thì họ đang khánh kiệt với những khoản nợ khổng lồ đổ lên đầu. Bị ngân hàng đòi riết quá, nhiều người sợ phải vay nóng chạy vạy để có tiền đóng tiền lãi. Có người còn nói với tôi kế hoạch bỏ xứ đi để trốn nợ. Thật là thảm hại.

Mỗi lần như thế, họ thường gọi điện cho tôi. Tôi bảo với người dân rằng chắc chắn ngân hàng sẽ không dám đến nhà sẽ siết nợ các anh chị cô bác đâu. Nhưng họ cứ mổ được đồng nào hay đồng ấy. Tụi kinh doanh bất động sản nợ xấu cả ngàn tỷ tụi nó vẫn cười như hoa, nhà mình vài tỷ lo gì. Thêm nữa, mình có 3 lý lẽ rất chắc chắn để nếu ngân hàng không dám cưỡng chế nhà người dân.

Thứ nhất, là Chính phủ đã đứng ra nhận hoàn toàn trách nhiệm thiệt hại vụ Formosa tại cuộc họp báo ngày 30/6/2016. Vì vậy, trách nhiệm để tình trạng nợ không trả được này thuộc về Nhà nước, Chính phủ. Không phải người dân. Thêm nữa, trong các văn bản chi trả bồi thường, họ luôn sử dụng từ “hỗ trợ”. Tức khoản tiền nhận được từ Chính phủ là hỗ trợ, không phải bồi thường. Bồi thường chỉ dùng trong trường hợp tòa án phán quyết hoặc các bên thương lượng giá cả, tiền nong. Ở đây, Chính phủ tự đưa ra mức giá đó, người dân không hề được tham vấn.

Thứ hai, từ đầu tháng 5/2016, ông Trương Hòa Bình đã kí văn bản gửi các ngân hàng chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ người dân khắc phục thảm họa, ổn định cuộc sống. Hiện tại, chuyện chi trả tiền chưa xong, không có lý do gì ngân hàng liên tục thúc ép người dân trả nợ. Đến khi nào ổn định đời sống kinh tế may ra mới trả được.

Thứ ba, trong hợp đồng vay tiền ngân hàng, luôn có khoản mục trong điều kiện bất khả kháng, người vay không trả được thì phải tìm cách giãn nợ, khoanh nợ hay đàm phán hướng xử lý. Thảm họa Formosa là một sự việc hoàn toàn khách quan, bất khả kháng. Hơn nữa chính quyền đã nhận trách nhiệm thiệt hại, bà con cứ yên tâm phục hồi kinh tế. Ngân hàng làm gì thì cứ đổ cho nhà nước, Chính phủ. Ngân hàng mà người dân vay chủ yếu là nhân hàng nhà nước hoặc thương mại cổ phẩn nhà nước cả. Lo gì.

Với 3 lý lẽ trên, thì chắc chẳng ngân hàng nào đến siết nợ dân. Nhưng bị đòi riết quá, nhiều người đâm túng quẫn, lo lắng quá mức. Chính quyền đang tìm mọi cách để thảm họa Formosa chìm vào quên lãng, họ đâu dại dột khới lên một đống thối um lên. Mấy năm qua, tình trạng chiếm ủy ban, chặn đường quốc lộ đã khiến họ đứng ngồi không yên rồi. Giờ làm quá thì không biết sẽ thế nào. Thế nên nếu bạn nào quen những người dân ở miền Trung đang cùng quẫn vì không có tiền trả nợ, nhờ các bạn nói giúp cho họ yên tâm.

Và giả sử ngân hàng tìm cách đòi bằng được tiền, thì phải mang ra tòa án giải quyết. Lúc đó, Chính phủ phải xuất hiện với tư cách người/thực thể có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cái này là cái mình mong nhất, Chính phủ ra tòa.



Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1803580969662416&set=a.128947443792452.15749.100000315904157&type=3




Kim Jong Un đang làm gì?



Bùi Quang Vơm
Trước khi có cuộc đối thoại thượng đỉnh hai miền Triều Tiên vào tháng 4 và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 5, Kim Jong Un đã đi Trung Quốc, ở lại Bắc Kinh 3 ngày, từ 25-28/03/18.

Từ khi lên cầm quyền năm 2011, nơi đầu tiên Kim chọn xuất ngoại là Bắc Kinh, điều này dễ dàng để lại một nhận định rằng với Kim quan hệ với đồng minh Trung Quốc có tầm quan trọng bậc nhất gắn với sự tồn vong của triều đại họ Kim. 

Người ta sẽ nghĩ ngay tới việc Kim sẽ trình bày và xin thỉnh thị toàn bộ chiến lược đàm phán với Nam Hàn và với Mỹ, đặc biệt phương án xấu nhất khi thương lượng thất bại, Trump có thể phát động chiến tranh tiêu diệt. Việc làm này có vẻ bề ngoài là một biểu hiện của sự tin cậy tuyệt đối và sự thuỷ chung bất di dịch của Kim với Bắc Kinh. Nhưng dù bề ngoài đúng như vậy, người ta cũng không thể biết bên trong có thực vậy không!

Kim Jong Un thực sự muốn gì?

Trong rất nhiều những tuyên bố chính thức, Triều Tiên đã cố gắng hết sức để làm thế giới hiểu rằng, họ muốn được chấp nhận như một thành viên đầy đủ và bình đẳng của cộng đồng thế giới, được quyền phát triển kinh tế bên cạnh quyền phát triển quốc gia hạt nhân, như Ấn Độ hay Pakistan, đồng thời với một chương trình thống nhất hai miền Bắc Nam Triều Tiên một cách hoà bình.

Đây là tư tưởng chiến lược bất biến, sợi chỉ xuyên suốt ba thế hệ họ Kim, kim chỉ nam mọi hành vi, mọi tính toán chiến thuật và chiến lược của chế độ.

Nhưng thế giới, đặc biệt là những quốc gia có vai trò rất lớn đối với Triều Tiên như Mỹ và Trung Quốc, thậm chí ngay cả Nam Hàn có vẻ như vẫn chưa hiểu hay chưa đánh giá hết ý nghĩa của lập trường này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khăng khăng điều kiện tiên quyết để có đối thoại là Bình Nhưỡng phải chấm dứt trên thực tế chương trình hạt nhân. Triều Tiên đã hy sinh tất cả để có hạt nhân và đã trở thành một thế lực hạt nhân. Chiến lược «Quân sự trước hết» được xem là đã thực hiện được một nửa, nửa còn lại là thống nhất trong hoà bình và độc lập.

Triều Tiên có chấp nhận từ bỏ sức mạnh hạt nhân chỉ để được Mỹ dỡ bỏ trừng phạt và bao vây kinh tế không? Rõ ràng là không. Không một quốc gia nào trong tình trạng tương tự có thể chấp nhận. Hạt nhân là «độc lập», tất cả phần còn lại chỉ là «thịnh vượng». Giải pháp không phải là lấy cái này đổi cho cái kia, mà là một gói gồm cả hai.

Vì vậy để có thể đàm phán với Kim Jong Un, bài toán mà Mỹ phải đem lại lời giải là một Triều Tiên thống nhất như thế nào để vừa có độc lập, tự do và phồn thịnh, vừa được thừa nhận là quốc gia hạt nhân. 

Đàm phán thế nào?

Kim Jong Un có thể đã hiểu sự nông cạn và thói hợm hĩnh vinh quang của vị Tổng thống Mỹ, mà ai cũng biết rằng ông ta giống một tỷ phú bất động sản hơn một chính trị gia.

Với một đối tượng như vậy, những loại thông tin khác thường không thể có cách truyền đạt nào có thể được tiếp thu mà không chịu một nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. 

Sự mập mờ, nước đôi trong cách truyền đạt thông tin bị buộc phải sử dụng để ít nhất giữ được 50% xác suất an toàn sẽ là nguyên nhân của sự thất bại trong cuộc đàm phán sắp tới.

Thông tin tình báo trước đàm phán phải được truyền đạt chính xác tuyệt đối và mức độ tin cậy phải được đảm bảo 100%. Nhưng làm thế nào để có được sự tin cậy 100% để thông tin được truyền đạt chính xác tuyệt đối trong một thời gian quá ngắn, với chỉ một vài cuộc gặp ở cấp thấp tại một quốc gia trung lập như Thuỵ Điển hay Phần Lan? Làm thế nào để truyền thông tin tuyệt mật mà không bị rò rỉ ở cái cấp trung gian này?

Kim Jong Un đã linh cảm sự thất bại khó tránh khỏi.

Và nếu thất bại, với một vị tổng thống hãnh tiến và bất thường như Donald Trump, thì chiến tranh cũng khó tránh khỏi được.

Tại sao lại là Trung Quốc?

Không ai biết được Kim Jong Un và Tập Cận Bình đã nói gì với nhau trong vài ngày qua, nhưng có thể suy đoán được.

Mục đích của cuộc gặp Mỹ - Triều là một đảm bảo nền độc lập của một Triều Tiên thống nhất. Nhưng nếu nền độc lập đó được Mỹ đảm bảo thì là độc lập với ai? Đó là điều Mỹ phải hiểu và Trung Quốc không được phép biết. Mỹ mà không hiểu hoặc Mỹ hiểu nhưng Trung Quốc biết được, thì Triều Tiên có thể đều «chết».

Nhưng ai cũng biết, xác suất Donald Trump hiểu được là rất thấp, đồng nghĩa với thất bại đàm phán và khả năng chiến tranh huỷ diệt Bắc Triều là rất cao.

Như vậy, chuyến đến Bắc Kinh của Kim Jong Un có ý nghĩa sống còn đối với chế độ Bắc Triều một khi cuộc đàm phán Mỹ Triều xảy ra. Thắng, thì Triều Tiên tách khỏi sự khống chế truyền thống của Bắc Kinh. Nhưng thất bại, thì Bắc Triều chắc chắn bị tiêu diệt,  không thể thắng cuộc chiến tranh trừng phạt của Mỹ.

Đảm bảo duy nhất cho Kim Jong Un là cam kết của Tập Cận Bình.

Cuộc gặp là một món quà vô giá với Tập Cận Bình vốn ngạo mạn, giữa lúc uy tín của ông này đã và đang xuống đáy trong con mắt ngạo mạn không kém của Donald Trump.


Nhìn cách cư xử trang trọng có chút vì nể của Tập, khác với thái độ thường rất trịch thượng và khinh khi của Tập với lãnh đạo Việt Nam, có thể hiểu được ý nghĩa của «Sức mạnh hạt nhân» và sự «Chính xác!» của chiến lược «Quân sự trước hết».

Thế cờ bắt buộc Tập Cận Bình phải cam kết đảm bảo an toàn chế độ cho Kim. Nhưng Tập liệu có biết rằng ông ta, một người khổng lồ đang biến thành con bài trong tay anh chàng béo mới chỉ bằng tuổi con mình.

Và nếu Kim Jong Un có thể chơi trên tay cả hai con bài khổng lồ là Tập và Trump, thì ông Nguyễn Phú Trọng khi tự khoe: «Mình phải thế nào, người ta mới tiếp mình như thế chứ», rồi: «Tôi nói thế mà ông ấy có tự ái đâu», liệu có biết xấu hổ và tủi cho thân phận không?

29/03/2018
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN
*****************
Phụ lục:
Kim Jong Un đến Bắc Kinh tìm chỗ dựa, trước đàm phán với Mỹ

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (phải) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ tiếp đón tại Bắc Kinh. Ảnh do Tân Hoa Xã công bố ngày 28/03/2018. CCTV via Reuters TV.
Chuyến đi bất ngờ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến Trung Quốc đầu tuần này khiến công luận đặt câu hỏi: Vì sao Kim Jong Un lại quyết định đi Bắc Kinh trong lúc quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đang xấu đi, đặc biệt với các trừng phạt kinh tế mà Bắc Kinh tiến hành theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc? Câu trả lời của hầu hết các nhà quan sát là Bình Nhưỡng muốn tìm sự ủng hộ của đồng minh lịch sử, trước cuộc đàm phán hứa hẹn sẽ rất khó khăn với Hoa Kỳ, nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài nhiều thập niên.
Thông tín viên Frédéric Ojardias từ Seoul nhận định:
«Đây là lần đầu tiên mà Kim Jong Un ra khỏi Bắc Triều Tiên và tiếp xúc với một lãnh đạo nước ngoài, kể từ khi lên cầm quyền năm 2011. Cuộc hội kiến với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trước hết cho phép lãnh đạo Bắc Triều Tiên phối hợp với đồng minh chủ yếu của Bình Nhưỡng, và cũng là để trấn an Bắc Kinh, trước các cuộc thượng đỉnh dự kiến với Tổng thống Hàn Quốc, và đặc biệt là với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kim Jong Un cũng có thể tìm kiếm các bảo đảm về an ninh với Trung Quốc, đối mặt với Hoa Kỳ, trong bối cảnh Washington không ngừng coi can thiệp quân sự là một biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng xấu đi nhiều kể từ khi Trung Quốc thi hành các biện pháp trừng phạt quốc tế, nhằm buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự. Tuy nhiên, khi thời điểm đàm phán tới gần, chế độ Bình Nhưỡng hơn bao giờ hết cần hòa giải với «đàn anh» Trung Quốc». 
Tại sao lại vào lúc này?
Dựa vào Trung Quốc để có đủ sức mạnh tự vệ vào «thời điểm quyết định» là nhận định của chuyên gia về Trung Quốc Đặng Duật Văn (Deng Yuwen). Chuyến đi bất ngờ của Kim Jong Un diễn ra vào thời điểm vận động ngoại giao cho đối thoại thượng đỉnh hai miền Nam Bắc Triều Tiên và giữa Bình Nhưỡng với Washington đang diễn ra dồn dập. Nhưng tại sao Kim Jong Un lại chọn đúng thời điểm này?
Nhiều nhà phân tích cho rằng không thể không thấy mối liên hệ giữa chuyến đi này với việc tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm nhà cựu ngoại giao John Bolton, 69 tuổi, nổi tiếng là thành phần «diều hâu», làm cố vấn an ninh quốc gia. Việc bổ nhiệm diễn ra cuối tuần trước, thứ Năm 22/03.
Hai ngày sau khi được bổ nhiệm, lần đầu tiên trả lời truyền thông Mỹ với tư cách cố vấn an ninh quốc gia tân cử, ông John Bolton tuyên bố rất bi quan về triển vọng thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên, với nhận định: Bình Nhưỡng «muốn câu giờ để phát triển vũ khí hạt nhân». Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, được coi là một trong những kiến trúc sư của can thiệp quân sự vào Irak năm 2003, từng khuyến cáo dùng chiến tranh để xóa sổ chế độ Bắc Triều Tiên.
Hơn bao giờ hết, Bình Nhưỡng cần được chống lưng và phối hợp chặt hơn với Trung Quốc, trước khi bước vào các thương lượng. Ngày mai, thứ Năm 29/03, đại diện hai miền Nam Bắc Triều Tiên sẽ gặp nhau để chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh Liên Triều dự kiến tổ chức trong tháng tới.
Lá bài cuối cùng?
Trả lời RFI, nhà bình luận chính trị độc lập Hoa Phách (Hua Po), sống tại Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng chuyến công du Trung Quốc là «lá bài cuối cùng» của Kim Jong Un, bởi nếu đàm phán với Mỹ thất bại, nếu không có Bắc Kinh can thiệp, lãnh đạo Bắc Triều Tiên khó thoát khỏi số phận của cố lãnh đạo Libya Kadhafi. «Bắc Triều Tiên không là gì cả, nếu không có Trung Quốc, chỉ có Trung Quốc mới giúp cho Bình Nhưỡng không sụp đổ. Kim Jong Un rất cần đến Bắc Kinh, cả về kinh tế cũng như quân sự».

Giống như cha, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un khi công du láng giềng với chuyến tàu bọc thép, cũng hy vọng tìm thấy ở Trung Quốc - đối tác kinh tế và đồng minh ý thức hệ số một - sự hậu thuẫn sống còn đối với chế độ Bình Nhưỡng. Về phần mình, Bắc Kinh ắt hẳn sẽ tìm mọi cách để ủng hộ Bắc Triều Tiên, bởi việc duy trì một chế độ Bắc Triều Tiên nguyên trạng nằm trong lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Bình Nhưỡng sụp đổ và một quốc gia Triều Tiên thống nhất, với làn sóng người tị nạn tràn qua và binh sĩ Mỹ đồn trú sát biên giới đông bắc là cơn ác mộng của Bắc Kinh.

T.T.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn